Cách Làm Bánh Trung Thu Bằng Nồi Chiên Không Dầu

Mang trong mình ý nghĩa đoàn viên cùng với sự thơm ngon hấp dẫn, bánh Trung Thu là thức quà không thể thiếu vào mỗi dịp Rằm tháng tám. Nếu đang muốn làm món bánh này để cùng thưởng thức với người thân và gia đình, các bạn hãy tham khảo ngay cách làm bánh Trung Thu bằng nồi chiên không dầu dưới đây của Beptruong.edu.vn nhé.

bánh trung thu làm bằng nồi chiên

Bánh Trung Thu làm bằng nồi chiên không dầu có sự thơm ngon, đẹp mắt không kém bánh làm từ lò nướng

Vào mỗi dịp trăng rằm tháng tám, bánh Trung Thu nướng là món ăn được nhiều người thực hiện để ăn cùng với gia đình hoặc đem tặng cho bạn bè. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn lò nướng để làm bánh Trung Thu. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn có thể sử dụng nồi chiên không dầu để thay thế cho lò nướng.

Cách chọn mua đậu xanh ngon

 chọn đậu xanh có hạt sáng màu

Các bạn hãy chọn đậu xanh có hạt sáng màu, căng tròn và bóng (Ảnh: Internet)

Để làm được bánh Trung Thu ngon thì điều đầu tiên mà các bạn cần làm đó là phải chọn mua các nguyên liệu tốt. Đậu xanh là thành phần chính để làm nhân bánh nên bạn cần phải chú ý chọn thật kỹ dựa theo các lưu ý dưới đây:

  • Nên chọn những hạt đậu xanh mới, có màu sáng, căng tròn và bóng, không có lớp bụi phấn trên bề mặt.
  • Không chọn đậu xanh có màu khác lạ, bị ẩm mốc, mối mọt và có mùi lạ.
  • Các bạn có thể chọn đậu xanh có vỏ hoặc không vỏ đều được. Nếu chọn loại có vỏ, bạn hãy đảm bảo loại bỏ sạch vỏ trước khi làm bánh nhé.

Nguyên liệu làm nhân bánh Trung Thu

  • 200g đậu xanh
  • 150g đường trắng
  • 30g bột bánh dẻo
  • 50g mạch nha
  • 50g dầu ăn

Cách chế biến nhân bánh Trung Thu

Sơ chế đậu xanh

  • Bạn bỏ vỏ đậu xanh, ngâm trong nước từ 3 – 4 tiếng cho đậu nở.
  • Sau thời gian trên, bạn vớt đậu ra, rửa sạch rồi cho vào nồi.
  • Bạn bắc nồi lên bếp, đổ nước ngập mặt đậu rồi đun trên lửa nhỏ.
  • Sau khi nấu khoảng 15 phút thì đậu đã chín nhừ, bạn tắt bếp và để đậu nghỉ khoảng 10 phút cho nguội bớt.

Sên nhân

cách chế biến nhân bánh Trung Thu

Sên đến khi nhân thành một khối đặc sệt, mịn và không bị chảy (Ảnh: Internet)

  • Bạn múc phần đậu xanh đã nấu cho vào máy xay sinh tố cùng 100ml nước rồi xay nhuyễn.
  • Cho phần đậu đã xay vào chảo chống dính, cho đường vào chảo và bắt đầu sên trên lửa vừa. Các bạn lưu ý khi sên phải đảo đều tay cho đường tan hoàn toàn vào đậu xanh.
  • Khi chảo đậu đã sôi, các bạn cho dầu ăn vào và tiếp tục đảo đều.
  • Bạn hòa tan bột bánh dẻo với 60ml nước, cho vào chảo đậu xanh và tiếp tục sên.
  • Khi thấy hỗn hợp đậu xanh tạo thành một khối đặc sệt, không dính chảo, không bị chảy thì các bạn tắt bếp.

Thành phẩm

Phần nhân đậu xanh sau khi sên xong có màu vàng nhạt rất đẹp và mịn màng. Sau khi sên xong, bạn hãy để nhân nguội bớt rồi chia thành những khối nhỏ bằng nhau, vê tròn và dùng màng bọc thực phẩm bọc lại.

Cách làm bánh Trung Thu nướng bằng nồi chiên không dầu

Nguyên liệu làm vỏ bánh

  • 300g bột mì
  • 1 lòng đỏ trứng gà
  • 15g bơ đậu phộng
  • 200g nước đường bánh nướng
  • 5g mật ong
  • 40g dầu thực vật
  • Rượu mai quế lộ

Nguyên liệu làm hỗn hợp quét mặt bánh

  • 1 lòng đỏ trứng gà
  • Dầu mè
  • Sữa tươi

Cách làm bánh Trung Thu nướng bằng nồi chiên không dầu

Trộn bột bánh

hòa quyện các nguyên liệu

Hòa quyện các nguyên liệu để chuẩn bị làm bột bánh

  • Các bạn lấy một tô lớn, cho lần lượt nước đường làm bánh, dầu thực vật, 1 muỗng canh rượu mai quế lộ, 1 lòng đỏ trứng gà và bơ đậu phộng vào, dùng muỗng khuấy đều hỗn hợp này.
  • Khi các nguyên liệu đã hòa quyện vào nhau, các bạn rây từ từ bột mì vào tô, vừa rây vừa khuấy đều hỗn hợp.
  • Sau khi đã cho hết bột mì vào tô, bạn dùng tay trộn bột đến khi bột tạo thành một khối dẻo, mịn thì dừng.
  • Bạn bọc kín tô bột lại bằng màng bọc thực phẩm, sau đó để bột ủ trong khoảng 30 phút.
  • Sau thời gian này bạn lấy bột ra, chia thành từng viên nhỏ rồi vê tròn lại.

Bọc bánh

Bánh Trung Thu sau khi bọc xong

Bánh Trung Thu sau khi bọc xong các bạn vo tròn rồi đặt lên giấy nến

Bạn dùng cây cán bột cán dẹt viên vỏ bánh, sau đó đặt viên nhân vào giữa, dùng tay gói vỏ bánh lại sao cho phần vỏ ôm trọn lấy nhân. Các bạn hãy gói cẩn thận để cho phần nhân bánh không bị tràn ra ngoài. Sau khi gói xong, các bạn vê tròn viên bánh lại để đảm bảo bánh không bị hở rồi đặt lên giấy nến để chuẩn bị cho công đoạn đóng bánh.

Đóng bánh

dùng lực nhẹ đẩy bánh ra khỏi khuôn

Bạn dùng lực nhẹ đẩy bánh ra khỏi khuôn sau khi đã đóng bánh xong

  • Các bạn chuẩn bị khuôn bánh Trung Thu lò xo, dùng cọ quét một lớp bột mỏng vào lòng khuôn rồi cho viên bánh vào, dùng tay ép nhẹ cho bánh lan đều ra khuôn.
  • Bạn đặt khuôn bánh lên bàn rồi ấn và giữ khuôn trong vòng 15 – 20 giây để tạo hình cho bánh Trung Thu, sau đó dùng lực nhẹ để đẩy bánh ra khỏi khuôn. Bạn tiếp tục làm như vậy đến hết các viên bánh đã chuẩn bị.

Nướng bánh bằng nồi chiên không dầu

Sử dụng nồi chiên không dầu

Sử dụng nồi chiên không dầu để nướng bánh rất đơn giản (Ảnh: Internet)

Bạn làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 200 độ C trong vòng 10 phút trước khi nướng bánh. Trong thời gian đợi nồi làm nóng, bạn cho lòng đỏ trứng gà, sữa tươi, dầu mè vào chén và trộn đều để làm hỗn hợp phết mặt bánh.

Sau khi nồi chiên nóng, bạn lấy khay ra, lót vào một tấm giấy nến rồi cho bánh vào nướng bánh lần 1 ở nhiệt độ 180 độ C trong 8 phút.

Hết 8 phút, bạn lấy bánh ra, xịt nước lên bánh và để thật nguội, sau đó dùng cọ phết hỗn hợp trứng gà lên mặt bánh. Khi đã phết xong, tiếp tục nướng bánh lần 2 ở nhiệt độ 150 độ C trong vòng 5 phút là hoàn thành.

Thành phẩm

Bánh Trung Thu sau khi nướng xong

Bánh Trung Thu sau khi nướng xong có màu vàng rất đẹp mắt cùng mùi thơm hấp dẫn

Bánh Trung Thu sau khi nướng xong có màu vàng đẹp mắt cùng mùi thơm hấp dẫn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon, ngọt bùi của phần nhân đậu xanh cùng với phần vỏ mềm mại. Các bạn nên thưởng thức món bánh này cùng với trà để làm tăng thêm hương vị cho bánh.

Các lưu ý khi làm bánh Trung Thu

  • Trong quá trình bọc bánh, các bạn chú ý không được cán bột quá mỏng để tránh trường hợp phần nhân tràn ra ngoài sau khi đóng bánh.
  • Khi đóng bánh các bạn nên sử dụng lực vừa phải để bánh không bị nứt, vỡ.
  • Tùy theo loại khuôn sử dụng mà bạn sẽ chia khối lượng nhân và vỏ bánh khác nhau. Thông thường bạn có thể chia theo tỉ lệ 50:50 (phần nhân và vỏ bánh bằng nhau) hoặc chia sao cho phần nhân lớn hơn vỏ bánh một chút.
  • Bánh sau khi làm xong có thể ăn ngay, nhưng các bạn nên để bánh từ 1 – 2 ngày cho bánh đạt được độ ngon nhất định rồi hãy thưởng thức.

Cách bảo quản bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu sau khi để nguội

Bánh Trung Thu sau khi để nguội các bạn đặt vào khay nhựa, cho vào bọc kín cùng gói hút ẩm để bảo quản

  • Bánh Trung Thu sau khi làm xong các bạn để nguội rồi đặt vào khay nhựa, cho vào bọc kín cùng với gói hút ẩm sẽ để được khoảng 1 tuần.
  • Các bạn có thể cho bánh vào tủ lạnh để bảo quản nếu chưa ăn tới, nếu để bánh ở bên ngoài các bạn hãy để bánh ở nơi khô thoáng, không ẩm ướt.

Trong dịp Rằm tháng tám được thưởng thức món bánh Trung Thu thơm ngon cùng người thân và bạn bè, vừa ăn vừa ngắm trăng thì còn gì bằng. Hy vọng với cách làm bánh Trung Thu bằng nồi chiên không dầu trên đây, các bạn sẽ làm nên những chiếc bánh thơm ngon để ăn cùng gia đình.

Nếu muốn đăng ký học làm bánh trung thu cùng Bếp Trưởng Á Âu, bạn hãy điền thông tin vào form bên dưới hoặc liên hệ ngay hotline 1800 6148 hoặc 1800 2027 (miễn phí cước gọi) được để tư vấn nhanh chóng hơn nhé.

Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết ý nghĩa bánh trung thu tại website của chúng tôi ngay nhé.

Điểm: 4.45 (12 bình chọn)

Tác giả: Thanh Baker

Bếp Trưởng Bếp Bánh Tại Khách Sạn Majestic, đảm nhiệm nhiều vai trò quản lý đào tạo nhân viên, lên thực đơn các món bánh trong ngày. Hy vọng với những kiến thức và kinh nghiệm thực tế mà Baker Thanh có được sẽ giúp các bạn có được kiến thức hữu ích nhất khi xem những bài viết tại đây.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn