Nước Lèo Hủ Tiếu

Bí quyết để nấu hủ tiếu ngon đang ở ngay đây. Cách nấu nước lèo hủ tiếu sao để có được vị ngọt thanh chứ không gắt, khan. Nấu sao để không cần phải nêm nếm mà khi chan vào hủ tiếu, mọi thứ đều vừa vặn, vừa đặt tô xuống bàn đã thấy thơm nức nở, húp một muỗng nước trước thì thấm vào lưỡi vị ngọt, mặn, chua, cay hài hòa? Học ngay bí quyết nấu hủ tiếu ngon bên dưới để nấu ăn thật ngon nào!

Nấu nước lèo hủ tiếu
Nước lèo trong vắt thế này, bạn có muốn thử làm không?

Bạn đã biết, rằng nước lèo muốn ngon thì không chỉ có hầm xương với thịt mà còn có thêm hành, gừng, tôm khô, mực nướng nữa? Bạn có chắc là mình đã trải qua quy trình chần – ninh xương đúng cách để thịt hoàn toàn được khử mùi hôi? Nếu vẫn chưa hoặc còn băn khoăn gì đó trong quy trình nấu nước lèo hủ tiếu, vậy thì bạn chắc chắn không thể bỏ qua công thức hết sức “ngọt ngào” dưới đây.

Nguyên liệu nấu nước dùng hủ tiếu

  • 200gram xương ống heo
  • 500gram nạc lưng heo
  • 1 quả tim heo
  •  400gram gan heo
  • 500gram tôm sú
  • 100gram mực khô
  • 50gram tôm khô
  • 20 trái trứng cút.

Nguyên liệu rau củ nấu nước dùng

  • 1 củ cải xá bấu lớn hoặc 2 – 3 củ nhỏ (cải xá bấu hay còn gọi là củ cải mặn)
  • 2 củ hành tây
  • 2 củ gừng
  • Cần tây

Ăn kèm với hủ tiếu Nam Vang còn có thêm: tỏi phi, thịt bằm xào, giá, tần ô, chanh, ớt.

Và dưới đây chính là cách nấu nước lèo hủ tiếu ngon mà ai cũng đang mong đợi.

Cách nấu nước hủ tiếu ngon

Chần xương, thịt và tim, gan heo

Rửa sạch: Muốn rửa sạch xương và thịt, bạn xả với nước lạnh vài lần trước, sau đó chà trực tiếp với muối (tốt nhất là muối hạt) và một ít gừng tươi rồi rửa cho đến khi nước xả không còn đục nữa. Đối với tim và gan heo bạn cũng làm tương tự.

Chần xương, thịt: Chần sơ với nước sôi có nhiều tác dụng như làm săn xương và thịt hơn, lọc bớt những cặn và chất bẩn bám sâu trong xương, khử mùi hôi… Tuy nhiên có nhiều bạn đang chần thịt sai cách, do đó cảm thấy vẫn còn mùi hôi.

Để chần đúng cách, bạn rửa sạch các nguyên liệu chính như hướng dẫn ở trên trước. Sau đó rửa sạch ½ củ hành tây (không cần thái), 4 tép hành lá, 1 nhánh gừng cạo sạch vỏ, đập dập và vài cọng cần tàu. Chờ cho nồi nước sôi, bạn cho tất cả vào cùng lúc, chần sơ rồi vớt ra.

Chần xương và thịt đúng cách
Chần xương và thịt đúng cách

Ngâm ngay xương, thịt, tim, gan vào nước đá lạnh cho đến khi nguội hẳn thì vớt ra. Các loại rau để riêng một đĩa.

Tương tự cách chần như trên đối với mực và tôm (chưa bóc đầu và vỏ).

Nướng tôm khô và mực khô

Trong món hủ tiếu Nam Vang, có lẽ không nhiều người biết một phần nước ngọt còn đến từ tôm khô và mực khô. Tất nhiên đối với món khô chúng ta không chần nước, ngược lại sẽ đem đi nướng.

Tốt nhất bạn nướng bằng cồn. Cho mực vào nướng trước. Nghe mùi mực bén, bạn cho tiếp tôm khô vào nướng cùng đến khi mực chín, tôm thơm là được.

Nướng mực và tôm khô
Nướng mực và tôm khô cho nước vừa ngọt, vừa thơm

Cách nấu nước lèo ngọt thanh

Cho khoảng 1,5 – 2 lít nước vào nồi nấu, chờ sôi.

Khi nước sôi, bạn lần lượt cho 1 củ hành tây (chẻ làm đôi), 1 củ gừng (cạo vỏ, đập dập), 2 cây hành boa rô, cần tàu, mực khô, tôm khô, cải xá bấu và cuối cùng là toàn bộ xương, thịt heo, tim, gan đã chần trước vào cùng.

Khi nước sôi trở lại, bạn thả mực và tôm vào. Đun nước lèo cho thịt chín hẳn thì vớt mực tươi, tôm, nạc vai, tim và gan heo ra trước.

Còn lại xương ống và các nguyên liệu khác, bạn tiếp tục hạ nhỏ lửa và hầm trong khoảng 30 – 45 phút nữa cho nước thật ngọt. Khi muốn có nước trong hơn thì lược thô qua rây và giữ nước, xá bấu, hành lại, đun nóng rồi thưởng thức.

LƯU Ý: Thực tế thì đối với xu hướng ăn hiện đại, nhiều thực khách không thích những món ăn nêm nếm quá nhiều, ngược lại họ thích vị tự nhiên hơn. Ở nước dùng này có vị ngọt của xương, vị mặn đậm của tôm khô, mực khô, cải xá bấu… Do đó không cần nêm quá nhiều. Tuy nhiên nếu bạn là người theo trường phái đậm đà thì vẫn có thể nêm nếm một chút cho hợp khẩu vị nhé.

Nấu nước lèo
Nguyên liệu không phức tạp vẫn làm nên nồi nước lèo tuyệt đỉnh

Cách sắp xếp để có tô hủ tiếu Nam Vang

Để có một tô hủ tiếu Nam Vang thần sầu, ăn mê mải mà vẫn còn mải mê, nước lèo không vẫn chưa đủ. Nhớ “trang trí” thêm những thành phần không thế thiếu này nữa nhé:

Trước hết là trụng sợi hủ tiếu cho mềm, sau đó trộn với tỏi phi cho đều. Sau đó cho 2 muỗng thịt bằm xào thơm lên hủ tiếu. Xếp xung quanh là 2 trái trứng cút, 2 con tôm, vài lát thịt nạc lưng, gan heo, tim, khoanh mực.

Vẫn chưa đủ, phải thêm một đĩa rau giá sống trụng, hẹ, hành, lát ớt và chanh chua chua nữa.

Chan nước lèo ngọt ơi là ngọt, thanh ơi là thanh lên nữa và thưởng thức thôi nào!

Cách nấu nước dùng hủ tiếu ngon đã được “bày biện” sẵn sàng rồi, chỉ còn chờ bạn sẵn sàng vào bếp thực hành nữa thôi đấy!

Điểm: 4.03 (28 bình chọn)

Tác giả: Beth Huỳnh

Beth Huỳnh Biên tập viên của Bếp Trưởng Á Âu .Từng tham gia lớp học nữ công gia chánh tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế, am hiểu về ẩm thực truyền thống trong và ngoài nước. Hiện đang làm chủ kinh doanh chuỗi quán ăn tại TPHCM. Hy vọng với những gì mà Beth Huỳnh chia sẻ ở đây có thể giúp các bạn có thêm những kiến thức bổ ích về văn hóa ẩm thực, những kỹ năng nấu ăn cơ bản.

Bài viết liên quan

2 Bình luận cho bài viết: “Nước Lèo Hủ Tiếu

Ý kiến của bạn

  1. Trần Thanh Hải

    Chỉ cách cho Tôi nấu nước lèo hủ tiếu ngọt ngon có mùi vị đặt Trưng

    Trả lời

    • Xuân Đào

      Chào Thanh Hải,
      Nước lèo là một thành phần quan trọng góp phần tạo nên tô hủ tiếu thơm ngon và khâu nấu nước dùng cần rất nhiều bí quyết, kỹ thuật. Để có thể nắm trọn bí quyết nấu nước dùng hủ tiếu, bạn có thể tham gia lớp học Chuyên đề Hủ tiếu tại BTAAu trong 1 buổi.
      Ad đã nhận thông tin của bạn. Bộ phận tư vấn sẽ liên hệ để hỗ trợ chi tiết hơn cho bạn chương trình học nấu hủ tiếu nhé!
      Cảm ơn bạn.

      Trả lời