Trong một căn bếp lớn, người quản lý toàn bộ hoạt động của khu bếp và có vị trí cao nhất được gọi là Bếp Trưởng Điều Hành, sau đó là các Đầu Bếp chính, Đầu Bếp phụ. Ngoài ra, còn có cách phân loại Đầu Bếp chuyên biệt theo lĩnh vực chế biến như Đầu Bếp món Âu, món Á, món Nhật, món Hoa,…
Đầu bếp là ai?
Đầu Bếp là người sử dụng các kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực của mình để chế biến đồ ăn và tạo ra thu nhập từ công việc này. Một người Đầu Bếp sẽ đảm nhận công việc nấu nướng và các công đoạn khác như lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu, chuẩn bị gia vị, chế biến và trình bày món ăn,…Để trở Đầu Bếp thực thụ, bạn cần phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về ẩm thực, thành thạo các kỹ năng cũng như các phương pháp chế biến món ăn.
Công việc của người đầu bếp
Với đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ, công việc của người Đầu Bếp bao gồm:
– Kiểm tra nguyên liệu, chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, vật dụng và thiết bị nấu ăn cần sử dụng trong quá trình chế biến.
– Lên thực đơn các bữa ăn chính, phụ, sáng tạo công thức nấu ăn.
– Chế biến món ăn bằng các phương pháp xào, rán, luộc, nướng, quay, hấp, kho,…
– Trình bày món ăn sao cho đẹp mắt, đảm bảo tính thẩm mỹ.
– Quản lý và sử dụng hợp lý nguyên liệu, tiết kiệm thực phẩm, hàng hoá, điện, nước, ga,…
– Chỉ đạo phối hợp các hoạt động nấu ăn, đào tạo kỹ năng, hướng dẫn công việc cho các nhân viên cấp dưới.
Yêu vầu với một đầu bếp
– Kiến thức về ẩm thực: Đầu Bếp phải nắm vững các kiến thức cơ bản về ẩm thực, biết cách sử dụng và phối hợp nguyên liệu nhằm tạo ra thực đơn dinh dưỡng, nắm vững nhiều phương pháp chế biến món ăn làm hài lòng thực khách.
– Sáng tạo: để món ăn không đơn điệu và nhàm chán, sáng tạo là điều rất cần thiết đối với người Đầu Bếp. Sáng tạo ở đây không chỉ là cách tạo ra những món ăn mới mẻ mà còn là cách trình bày món ăn có tính thẩm mĩ cao.
– Đam mê: công việc lao động chân tay, tiếp xúc với môi trường nóng bức, nhàm chán và nhiều tác hại đòi hỏi người Đầu Bếp phải có lòng đam mê thực sự mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp này.
– Sức khỏe: vì thời gian làm việc khá dài, không cố định, thường xuyên dậy sớm, về khuya, làm việc cả cuối tuần và ngày lễ, điều kiện và môi trường làm việc cũng không được tốt như tiếp xúc với nhiệt độ cao, thực phẩm sống, hôi tanh,…nên đòi hỏi người Đầu Bếp phải có một sức khỏe thật tốt và không bị mắc bệnh ngoài da.
– Kỹ năng làm việc nhóm và chịu được áp lực cao: vì liên tục làm việc theo nhóm nên kỹ năng làm việc tập thể cũng như khả năng chịu được áp lực là yêu cầu rất cần thiết đối với Đầu Bếp.
– Chăm chỉ, chịu khó: để trở thành Đầu Bếp giỏi, cần phải chăm chỉ, chịu khó học tập, thực hành để nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn.
– Người Đầu Bếp còn cần có sự khéo tay, ưa sạch sẽ để đảm bảo gian bếp luôn ngăn nắp, vệ sinh.
Bên cạnh những phẩm chất và kỹ năng trên, vốn ngoại ngữ cũng là kỹ năng mà người Đầu Bếp cần phải trau dồi hàng ngày để có cơ hội làm việc trong những nhà – hàng khách sạn quốc tế hay đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ hội của nghề đầu bếp
– Người Đầu Bếp có cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở, có thể làm việc ở rất nhiều nơi như trong nhà hàng, khách sạn, quán cafe, bệnh viện, trường học, các cơ quan, đơn vị và thậm chí là tự mở quán ăn kinh doanh cho riêng mình.
– Được thỏa sức theo đuổi đam mê, tự do thể hiện sự sáng tạo vô hạn trong ẩm thực.
– Trở thành Đầu Bếp nổi tiếng hay chuyên gia ẩm thực được nhiều người biết đến. Nếu có uy tín và danh tiếng, người Đầu Bếp có thể trở thành giảng viên dạy học trong các trường đào tạo ẩm thực hoặc mở lớp dạy nghề tại nhà,…
Thu nhập của đầu bếp
Hiện nay mức thu nhập trung bình của một Đầu Bếp tại Việt Nam thường dao động từ 6 – 8 triệu/tháng, đối với những Đầu Bếp chuyên nghiệp làm việc tại các nhà hàng – khách sạn lớn, mức thu nhập có thể lên đến 500 – 1000 đô/tháng (khoảng 12 – 22 triệu đồng/tháng).
Công việc và thu nhập hấp dẫn, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành Đầu Bếp giỏi. Để thành công đòi hỏi bạn phải hội tụ đầy đủ phẩm chất, kỹ năng cần thiết cũng như không ngừng học hỏi để hoàn thiện kỹ năng mỗi ngày. Bởi mặc dù nhu cầu nhân lực cho nghề này hiện nay rất cao, nhưng nếu không có tay nghề vững vàng bạn cũng sẽ rất nhanh bị đào thải.
Ý kiến của bạn