Học Nghề Gì Trong Thời 4.0?

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một xu thế không thể ngăn cản và nó đã làm thay đổi sự tăng trưởng của nhiều nhóm nghề nghiệp. Nhìn chung sẽ có nhiều ngành có thể bị ảnh hưởng lớn bởi máy móc, song các ngành liên quan đến công nghệ hoặc đòi hỏi sự sáng tạo, ứng xử khéo léo của con người vẫn không e ngại việc bị “xóa sổ”.

Học Nghề Gì Bây Giờ?
Máy tính, tự động hóa và con người sẽ cùng làm việc trong cuộc Cách mạng 4.0
(Ảnh: CafeF)

Ngành nào chịu ảnh hưởng bởi Cách mạng 4.0?

Năm 2017, Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt robot thông minh ở nhiều lĩnh vực, từ các dây chuyền sản xuất hàng hóa đến hỗ trợ dạy học, phục vụ quán, tham gia vào phòng mổ tại một số bệnh viện lớn. Máy móc có tính tự động hóa cao, không cần các chế độ về lương hưu, bảo hiểm cùng với khát vọng làm chủ công nghệ ngày càng lớn của con người, “kỷ nguyên của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo” đang dần lộ diện và có những ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam.

Dựa trên khảo sát và nghiên cứu tình hình thực tế, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực tại TP.HCM và trên cả nước đã đưa ra một số nhận định tổng quan về sự thay đổi cơ cấu lao động khi chịu sự tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, các ngành nghề thủ công hoặc tự động hóa như dệt, may mặc, bán hàng, giao thông vận tải, điện – điện tử… là những ngành có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc cao nhất.

Nghề phân tích dữ liệu sẽ lên ngôi
Nghề phân tích dữ liệu sẽ lên ngôi
(Ảnh: Internet)

Trái lại, có một số ngành nghề nhờ vào cách mạng công nghệ mà “lên ngôi”, đặc biệt là công nghệ thông tin, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, lập trình, digital marketing, bảo trì dự đoán sự cố thiết bị… Bên cạnh đó, các ngành nghề như đầu bếp, tiếp thị, lễ tân, điều dưỡng, thiết kế, pha chế… là những nghề ít chịu ảnh hưởng. Bởi lẽ, đây là những ngành thiên về sáng tạo, đòi hỏi sự linh hoạt để thích nghi bởi mỗi môi trường làm việc lại đòi hỏi những yêu cầu đáp ứng thị hiếu khác nhau.

Nghề bếp ít chịu ảnh hưởng của Cách mạng 4.0

Các đầu bếp làm việc với dao, chảo, lửa và làm việc gián tiếp với thực khách bằng cách phục vụ cho họ những món ăn ngon. Thử tưởng tượng bạn nấu món Âu cho người Việt chắc chắc sẽ khác cách bạn nấu món Âu cho người Âu. Thử tưởng tượng bạn làm việc cho một nhà hàng địa phương, vậy thì đầu bếp phải có cách điều chỉnh gia vị cho phù hợp khẩu vị. Lại thử nghĩ dấu ấn của đầu bếp ngoài hương vị món ăn thì còn nằm ở khâu trang trí. Décor là dấu ấn cá nhân, tùy vào cá tính đầu bếp, yêu cầu món ăn hay concept nhà hàng/buổi tiệc mà có những phong cách trang trí khác nhau.

Có thể bạn đã từng thấy đâu đó vài video về những chiếc máy nấu ăn. Máy có thể nấu nhanh, nấu hàng loạt nhưng không thể xử lý những khi nêm quá tay, lỡ cháy khét, thiếu nguyên liệu có những yêu cầu riêng từ phía khách hàng.

Sự lập trình mang tính khuôn khổ của máy móc rất khó thỏa mãn những điều trên. Thay vào đó, nó đòi hỏi tự sáng tạo và tính linh hoạt ở mỗi người đầu bếp hơn. Đó chính là “năng lực thích nghi nhạy bén” đặc thù của nghề bếp nói riêng và dịch vụ hiếu khách nói chung. Ở từng hoàn cảnh khác nhau, gặp mỗi vị khách khác nhau sẽ có những cách ứng biến khác nhau.

Nghề bếp ít chịu ảnh hưởng

Robot và máy móc không thể thay thế đầu bếp làm thỏa mãn thị hiếu dùng món ngon của
thực khách

Làm gì để trụ vững giữ “cơn bão” 4.0?

Nói về những yếu tố và bản thân người lao động cần trang bị trong thời đại công nghệ, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám Đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động) nhận định: “Vì vậy, người học cần chú ý một số vấn đề: đầu tiên là học tập nâng cao năng lực tư duy, sau đó là học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Điều quan trọng là cần học nghề suốt đời, vì ngành nào tương lai cũng sẽ gắn liền với công nghệ và khoa học. Học liên tục để không bị lạc hậu trước sự phát triển quá nhanh của Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Như vậy, vấn đề cốt lõi nằm ở 2 yếu tố: không ngừng nâng cao năng lực bản thân trong chính lĩnh vực mà bạn đang làn việc và linh hoạt ứng dụng kiến thức tích lũy được vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thế giới phẳng, mọi thứ đều bình đẳng và không còn sự phân biệt, chỉ còn năng lực lên ngôi. Cuộc Cách mạng 4.0 “ùa” đến, mang theo nhiều cơ hội và cả những thách thức. Đầu bếp và nhiều ngành nghề khác, nếu lao động thực sự có năng lực và nhanh nhạy thay đổi để phù hợp với thời cuộc thì không sợ bị đào thải dù bạn có làm trong bất cứ lĩnh vực nào.

Điểm: 5 (12 bình chọn)

Tác giả: Chương Minh Hiếu

Đầu Bếp The WaterFront Restaurant, hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm CTY Maggi, từng tham gia làm chương trình ẩm thực cùng nhiều kênh truyền hình và tạp chí món ngon mỗi ngày. Hiện đang là trợ giảng trường đào tạo nấu ăn, đầu bếp chuyên nghiệp với 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Bếp Nóng, Hy vọng có thể chia sẻ lại những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình cho thế hệ đầu bếp trẻ.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn