Măng tây là thực phẩm cao cấp có nguồn gốc châu Âu, du nhập vào Việt Nam và được nhiều bà nội trợ yêu thích, lựa chọn để chế biến các món ăn ngon, bồi bổ sức khỏe cho gia đình.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa biết măng tây là gì, tác dụng với sức khỏe, cũng như cách chế biến măng tây như thế nào cho đúng chuẩn. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về loại rau giàu dinh dưỡng này nhé!
Măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất được ưa chuộng và phổ biến trong bữa ăn hằng ngày tại các nước Âu – Mỹ. Măng tây sau khi chế biến có vị thơm, giòn ngọt, hơi chát. Dùng làm súp hay đem xào, luộc, hấp, nướng,… đều mang lại vị ngon độc đáo mà hiếm thực phẩm nào có được.
Măng tây là gì?
Đây là một loại cây lâu năm, có tên tiếng Anh là Asparagus, hình dạng như ngọn giáo, thân thảo, khá giòn và ngon, được trồng để lấy ngọn măng non ăn như một loại rau. Măng tây phân bố nhiều ở Mỹ, Mexico, Trung Quốc và thu hoạch vào mùa xuân.
Tại Việt Nam, Ninh Thuận là địa phương có diện tích trồng măng lớn nhất với hơn 100ha. Ngoài ra, loài cây này cũng được trồng đại trà ở các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long, An Giang,… để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Phân loại
Có 3 loại măng tây với 3 màu sắc khác biệt: xanh, trắng và tím, hàm lượng dinh dưỡng tương tự nhau. Mặc dù măng tây trắng được cho là loại ngon nhất, nhưng măng tây xanh vẫn được tiêu thụ nhiều hơn do được trồng phổ biến và giá thành rẻ hơn 2 loại còn lại.
Giá măng tây bao nhiêu?
Măng tây có giá bán khác nhau tùy theo mỗi loại và giá bán tại Hà Nội cũng có sự chênh lệch so với TP. HCM.
Tại Hà Nội, giá măng tây dao động từ 90.000 – 120.000 đồng/kg. Tại TP. HCM, mức giá vào khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg.
Bạn có thể mua măng tây tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng nông sản sạch,… Mỗi điểm bán cũng có sự khác nhau về giá nhưng không chênh lệch quá nhiều.
Giá trị dinh dưỡng
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, 83% thành phần của măng tây là nước. Loài rau này ít calo và natri, chứa nhiều vitamin B6, canxi, magie, kẽm, chất xơ, protein, beta-carotene, vitamin C, vitamin E, vitamin K,…cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời và bổ dưỡng cho cơ thể.
Bà bầu ăn măng tây có tốt không?
Các chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt khuyên các mẹ bầu nên bổ sung loại thực phẩm này vào thực đơn dinh dưỡng của mình nhờ chứa folate tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Bạn có thể hấp, luộc, nướng hay làm nguyên liệu trong các món salad,… tùy theo sở thích. Tuy nhiên, không nên nấu quá lâu, tránh làm hao hụt hàm lượng folate trong măng tây.
Tác dụng đối với sức khỏe
Không chỉ làm thực phẩm, măng tây còn được sử dụng như một loại thuốc, do có tính chất lợi tiểu và nhiều công dụng khác.
– Tốt cho thai nhi: Folate trong măng tây là một loại axit amin rất quan trọng và cần thiết để hình thành ống thần kinh cũng như giúp ngăn ngừa dị tật của thai nhi.
– Đẹp da: Chứa nhiều vitamin A và C nên ăn măng tây sẽ giúp da khỏe hơn và sản sinh ra nhiều collagen ngăn ngừa lão hóa.
– Giảm cân: Không chứa nhiều calo nên có thể sử dụng hàng ngày để hỗ trợ giảm cân.
– Tình dục: Chứa các dưỡng chất như vitamin E, vitamin A, vitamin C, kali và vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất testosterone, có tác dụng tăng ham muốn tình dục ở nữ.
– Ngăn ngừa lão hóa: Glutathione là chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ làn da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời.
– Tốt cho tim mạch: Chứa lượng potassium và folate cao có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa huyết áp.
– Tốt cho đường ruột: Nhờ chất inulin nên măng tây giúp hệ thống ruột hoàn thành tốt chức năng. Chất xơ trong măng tây cũng có tác dụng nhuận tràng.
– Ngăn ngừa loãng xương: Chứa vitamin K nên măng tây giúp tăng cường sức khỏe của xương và giúp quá trình đông máu nhanh hơn.
– Ngăn ngừa ung thư: Chất glutathione rất tốt trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư.
Măng tây có thể ăn sống được không?
Câu trả lời là có. Nhiều người cho rằng phải nấu chín mới ăn được. Thực tế, măng tây có thể ăn sống, chế biến thành các món salad, gỏi… với vị tươi giòn rất hấp dẫn.
Cách sơ chế
Bạn chọn những chồi măng dày, tươi, ngon và sơ chế sạch sẽ bằng cách loại bỏ phần cuống, ngâm với nước muối pha loãng cho sạch đất cát rồi cắt thành khúc dài ngắn tùy theo món. Nếu măng hơi già, nên tước sơ phần vỏ.
Đun sôi một nồi nước rồi cho măng tây vào trụng sơ, sau đó vớt ra thả ngay vào nước đá lạnh để giữ được màu sắc đẹp mắt.
Măng tây sau khi sơ chế có thể đem chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Tham khảo các món ăn chế biến từ măng tây trong nội dung sau đây.
Cách làm măng tây xào tỏi
Đặt chảo lên bếp, cho dầu oliu vào đun nóng. Tiếp đến, cho tỏi và gừng băm vào phi thơm rồi cho măng tây vào xào nhanh tay. Nêm gia vị gồm nước tương, muối, bột ngọt và đảo đều trong 2 phút rồi cho ra đĩa. Để tăng thêm hương vị cho món ăn, bạn có thể trang trí thêm rau ngò và hạt tiêu xay nhỏ.
Cách làm măng tây xào thịt bò
Thịt bò cắt lát mỏng, ướp với gừng băm nhuyễn, cùng 1/2 muỗng cà phê muối, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt và 1/3 muỗng cà phê tiêu. Sau đó cho thêm 1 muỗng canh dầu ăn vào ướp cùng để thịt bò giữ được độ tươi và không bị dính vào nhau.
Cho chút dầu ăn vào chảo nóng, phi thơm tỏi rồi cho thịt bò vào đảo nhanh tay, khi thịt hơi săn lại thì trút ra đĩa.
Tiếp tục dùng chảo đó, thêm chút dầu ăn vào, đợi dầu nóng rồi cho măng tây vào xào, nêm gia vị gồm 2 muỗng cà phê nước mắm và 1/2 muỗng cà phê hạt nêm. Khi măng gần chín cho thịt bò đã xào vào, đảo đều rồi tắt bếp. Cho thành phẩm ra đĩa, rắc chút tiêu lên trên rồi thưởng thức.
Canh măng tây nấu tôm
Tôm rửa sạch, loại bỏ chỉ đen trên lưng tôm rồi ướp cùng các gia vị muối, hạt nêm, tiêu khoảng 15 – 20 phút.
Phi thơm hành tím và tỏi băm với chút dầu ăn trong chảo, cho tôm vào đảo đều đến khi tôm gần chín thì cho măng vào đảo cùng trong 3 phút. Sau đó đổ nước vào đun sôi. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Cắt khúc hành lá cho vào nồi canh rồi tắt bếp.
Cách chế biến măng tây cho bé
Gạo vo sạch rồi ngâm 1 tiếng cho mềm, sau đó cho vào nồi nấu thành cháo. Tôm tươi rửa sạch, bóc vỏ, rút bỏ chỉ lưng rồi băm nhỏ hoặc xay nhuyễn. Măng tây chỉ lấy phần non, rửa sạch, cắt nhỏ, sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
Khi nồi cháo sôi, cho tôm vào nấu chín. Tiếp tục cho măng tây vào đảo đều, nêm thêm một chút dầu oliu và gia vị dành riêng cho bé rồi tắt bếp. Múc cháo ra chén, đợi nguội bớt rồi cho bé ăn.
Ngoài những cách trên, măng tây còn được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như: măng tây xào thịt gà, xào đậu hũ, thịt xông khói cuộn măng tây chiên, súp măng tây, nước ép măng tây,… Đơn giản hơn là món măng tây luộc chấm mắm tỏi hay măng tây ướp lạnh chấm muối ớt cũng rất ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc.
Lưu ý khi dùng
– Măng tây rất nhanh hỏng nên khi mua về nên chế biến càng sớm càng tốt.
– Trong măng tây có chứa chất phản ứng với sắt, có thể làm đổi màu măng tây, rất độc hại nên không dùng nồi sắt khi nấu loại thực phẩm này.
– Ăn quá nhiều có thể gây táo bón, đau bụng.
– Khi ăn nếu thấy các triệu chứng như ngứa cổ họng, phát ban, đầy hơi,… thì nên dừng lại ngay.
– Những người đang điều trị hay dùng thuốc tây, không nên ăn để tránh làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
– Các trường hợp dùng măng tây để chữa bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ và tư vấn của thầy thuốc.
Trên đây là một số thông tin về măng tây cùng các công thức chế biến món ăn, hy vọng bạn đã có cho mình những kiến thức bổ ích và thực hiện thành công.
Nếu bạn có nhu cầu học cách chế biến măng tây hoặc gỏi măng tươi theo công thức chuẩn Âu từ các Bếp trưởng giàu kinh nghiệm, có thể gọi đến tổng đài 1800 6148 hoặc điền thông tin vào form bên dưới để được tư vấn miễn phí về các khóa học nấu ăn chuyên nghiệp tại Bếp Trưởng Á Âu.
Linhsan
- Cách đây 3 năm trước
Măng tây trồng khá khó, kỹ thuật trồng tỉ mỉ, nhưng bù lại trồng cây măng tây cho thu hoạch lâu dài từ 5-7 năm, mang lại giá trị kinh tế cao, phát triển tốt trên nền đất cát pha. Có thể trồng bằng hạt giống măng tây và cây giống măng tây.
măng tây