Mứt Gừng Truyền Thống

Còn vài tháng nữa mới đến Tết, nhưng bạn có sẵn lòng cùng Bếp Trưởng Á Âu “lăn vào bếp” và học cách làm mứt gừng khô truyền thống? Bật mí với bạn là làm mứt gừng không hề phức tạp. Đặc biệt loại mứt này còn được ví như là “thần dược” trong Đông Y với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Cùng xem video học nấu ăn ngay đây để biết được bí quyết làm mứt gừng tại đây.

Làm mứt gừng cay the
Làm mứt gừng cay the, nhâm nhi mỗi sáng

Nguyên liệu làm mứt gừng

  • 1 củ gừng lớn (khoảng 2 lạng)
  • Đường
  • Muối.

Về phần chọn gừng, bạn chọn loại gừng vừa, không non cũng không già. Gừng non tuy lúc ăn mềm và ít có vị hăng, cay nhưng lại bị ra nước nhiều trong quá trình sên đường. Còn gừng già  tuy cay hơn nhưng sẽ có xơ, khi ăn tạo cảm giác không “trơn tru”, khá khó chịu.

Cách làm mứt gừng ngon

Sơ chế gừng tươi

Gừng bạn rửa qua trước với nước để rửa trôi bớt đất cát bám trên vỏ rồi mới cạo sạch lớp vỏ bên ngoài và ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút. Gừng lúc này bạn ngâm nguyên củ, chưa cắt thái gì.

Ngâm gừng xong, bạn thấm cho ráo bớt nước rồi dùng dao bào mỏng thành từng lát. Đối với món mứt gừng thì bạn nên bào mỏng chứ không nên thái vì gừng càng mỏng, thời gian sên đường càng nhanh và ăn cũng không bị cay quá. Gừng bào đến đâu bạn cũng ngâm ngay vào nước muối loãng đến đó để tránh bị đen.

Ngâm gừng liên tục trong nước muối loãng chính là cách làm mứt gừng trắng đẹp rất hiệu quả.

Luộc gừng

Cho toàn bộ lát gừng vào nồi nước sôi với 2 muỗng cà phê muối và luộc trong 2 phút. Hết 2 phút, bạn vớt gừng ra và ngâm vào nước đá. Trong thời gian đó, bạn tiếp tục bắc một nồi nước khác. Khi nước sôi, bạn tiếp tục cho gừng vào luộc lần thứ 2 và lần này chỉ luộc trong 1 phút. Hết 1 phút, bạn lại tiếp tục ngâm gừng vào nước lạnh.

Gừng nên luộc 2 lần cho bớt cay
Gừng nên luộc 2 lần cho bớt cay và đắng

Khi luộc gừng đến 2 lần, gừng sẽ bớt hăng cay hơn và cũng bớt đắng hơn. Nếu bạn là người thích vị đậm, mạnh của gừng thì có thể chỉ luộc qua 1 lần.

Trộn gừng với đường

Trộn 200gram gừng với 200gram đường trắng. Trộn đều đường lên và ướp như thế khoảng 1h – 1h30 phút cho đường thấm.

Sên mứt gừng

Bước cuối cùng trong hướng dẫn làm mứt gừng chính là sên mứt. Trút toàn bộ phần gừng ngâm đường vào chảo và bật lửa nhỏ, bắt đầu sên. Bạn không nên đổ phần nước tiết ra trong lúc ngâm gừng đi vì nếu bỏ đi thì khi sên mứt sẽ khá khó khăn.

Sên gừng thật khô
Sên gừng thật khô, nước đường tiết ra kết lại thành bột trắng mới đạt yêu cầu

Bạn sên đều tay, đảo liên tục để đường không bị cháy. Mứt đạt yêu cầu là khi gừng săn và hơi tóp lại, khô hoàn toàn, phần nước sẽ rút lại thành tinh thể bột trắng (đường). Khi ngậm thử một miếng mứt không cảm thấy còn nước bên trong miếng gừng nữa thì khi đó mới thành mứt. Thời gian để đạt được độ khô như vậy là khoảng 45 – 60 phút.

Mứt gừng sên càng khô thì “tuổi thọ” để càng lâu.

Theo Đông Y, gừng có tính ấm, vị cay. Chỉ cần một lát gừng mỗi ngày là có thể khiến cho cơ thể xuất mồ hôi, trị phong hàn, bệnh dạ dày, nôn mửa hay giải độc từ thủy hải sản rất tốt. Chính vì có tính ấm nên khi nấu các món có tính hàn cao như các loại hải sản, ốc, thịt vịt, yến sào… để kìm bớt khí lạnh lại, người ta thường cho thêm gừng.

Mỗi sáng ngậm một lát gừng với một chút trà ấm sẽ rất tốt cho cổ họng và dạ dày. Mứt gừng làm có thể mất thời gian, tuy nhiên lại dùng được lâu và quan trọng là tốt. Không chỉ có Tết mới làm được mứt, chỉ cần có lợi cho sức khỏe, ngại gì mà không bắt tay vào học cách làm mứt gừng khô truyền thống thật dễ dàng!

Điểm: 4.8 (15 bình chọn)

Tác giả: Nguyễn Richard

Biên tập viên Website Bếp Trưởng Á Âu, tốt nghiệp khóa Nghiệp Vụ Bếp Trưởng tại HNAAu. Hiện đang là Bếp phó tại Nhà hàng hải sản Mũi Né với những gì mà Richard Nguyễn chia sẻ hy vọng sẽ giúp các bạn tích lũy các kỹ năng nghiệp vụ chắc chắn để phát huy những nét đẹp, tinh túy trong lộ trình nghề nghiệp của bạn.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn