Từ lâu, Nhật Bản đã nổi tiếng không chỉ bởi ý chí kiên cường của con người mà còn được biết đến là một đất nước có nền văn hóa đặc sắc, mang đậm nét Á Đông và được gọi bằng những mỹ từ như đất nước hoa anh đào hay xứ sở mặt trời mọc… để ca ngợi vẻ đẹp của đất nước Nhật Bản. Có nhiều biểu tượng đại diện cho nền văn hóa Nhật Bản như trang phục truyền thống Kimono, hình ảnh các võ sĩ Samurai, manga Nhật, các món ăn đặc trưng như sushi, sashimi… Và bên cạnh đó, không thể không kể đến một nét đặc trưng khác của văn hóa Nhật Bản, đó là những lễ hội truyền thống diễn ra xuyên suốt các tháng trong năm.
Ngày nay, phần lớn các lễ hội của Nhật Bản đều được tính theo dương lịch thay vì âm lịch như xưa. Một năm Nhật Bản có gần 30 lễ hội lớn, diễn ra suốt bốn mùa ở các vùng khác nhau trong nước và có nhiều lễ hội được xem như quốc lễ. Các lễ hội này thể hiện sự đa dạng của nền văn hóa, đồng thời mang đậm yếu tố tinh thần của người dân Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản còn được biết đến là đất nước của các lễ hội và sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu một số lễ hội lớn trong năm của Nhật Bản.
Lễ hội Oshougatsu (Tết Nhật Bản)
Oshogatsu hay còn gọi là Tết Nhật Bản là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Nhật Bản. Người Nhật sẽ nghỉ Tết Oshogatsu trong 3 ngày từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 1 dương lịch. Các món truyền thống đặc trưng của lễ hội Oshogatsu là bánh gạo, rong biển, cá khô và quả hồng khô, tôm hùm được trang trí kèm với rau xanh và dương xỉ. Tất cả được đặt ở vị trí trang trọng, thể hiện sự đầm ấm, no đủ. Trong ngày tết, Người dân Nhật Bản còn thường ăn cháo, thịt gà, rau và cá cùng với rượu Toso truyền thống, đặc biệt mì trường thọ (toshicoshi soba) là món ăn không thể thiếu của người Nhật trong dịp này, việc ăn mì trường thọ thể hiện mong muốn một cuộc sống hạnh phúc lâu dài cùng gia đình, người thân.
Không khí đông vui, náo nhiệt trong ngày lễ hội Oshogatsu của Nhật Bản
Lễ hội Hina (ngày hội Búp bê)
Lễ hội Hina diễn ra vào ngày 3 tháng 3 hàng năm, đây là thời điểm hoa đào nở rộ nên còn được gọi là lễ hội hoa đào. Trong lễ hội này, những gia đình có con gái sẽ trưng bày một bộ búp bê Hina, gồm ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống trên một giá cao từ 5 đến 7 tầng. Người ta tin rằng loại búp bê này có khả năng cầu phúc, mang lại may mắn và sức khỏe cho những bé gái trong gia đình. Món ăn đặc trưng của ngày này là hishi mochi – một loại bánh nhiều màu hình kim cương, được dùng kèm với rượu gạo shirozake. Hai món này đều tượng trưng cho vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân.
Trong lễ hội này, những gia đình có con gái sẽ trưng bày một bộ búp bê Hina, gồm ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống trên một giá cao từ 5 đến 7 tầng
Ngày hội Kodomo no hi (ngày hội trẻ em)
Từ giữa tháng 4 hàng năm, bầu trời Nhật Bản ngập tràn những chú cá đủ màu sắc tung bay. Xin đừng ngạc nhiên, vì đó là những chú cá chép bằng vải hoặc giấy dùng để trang trí cho ngày hội trẻ em của Nhật Bản vào ngày 5 tháng 5. Hình cá chép được treo trên các cọc cao vút, để theo gió tung bay nhằm mục đích cầu chúc cho trẻ em được khỏe mạnh, tránh tai họa và những điều không may. Lúc trước lễ hội này được xem như ngày dành cho các bé trai, nhưng hiện tại nó đã trở thành tết thiếu nhi cho mọi trẻ em ở Nhật Bản.
Bầu trời Nhật Bản sẽ ngập tràn hình ảnh những chú cá chép đủ màu sắc tung bay trong ngày hội trẻ em của Nhật Bản vào ngày 5 tháng 5 hàng năm
Lễ hội Hanami (lễ hội ngắm hoa Anh Đào)
Anh Đào được tôn vinh là quốc hoa của đất nước Nhật Bản. Vì vậy, từ tháng 3 đến tháng 5, ở Nhật sẽ diễn ra lễ hội ngắm hoa Anh Đào. Hoa Anh Đào sẽ nở dần từ đầu tháng 3 ở phía nam Nhật Bản và đến tháng 5 sẽ nở rộ lên phía bắc. Những rừng hoa đẹp khó cưỡng tọa lạc ở Tokyo, đảo Okinawa, hồ Kawaguchi,… thu hút hàng triệu lượt khách tham quan và ngắm hoa mỗi mùa. Các món ăn thường dùng trong dịp này là kẹo dẻo dango, cơm bento thập cẩm, dùng cùng với rượu sake – loại thức uống không thể thiếu mỗi khi ngắm hoa Anh Đào.
Những rừng hoa Anh Đào đẹp khó cưỡng đã thu hút hàng triệu
lượt khách tham quan và ngắm hoa mỗi mùa lễ hội
Lễ hội Bon Odori (lễ hội múa truyền thống)
Lễ hội này gần giống như ngày lễ Vu Lan của Việt Nam, diễn ra từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8 dương lịch, tùy thuộc từng địa phương và thường kéo dài trong vòng một tuần. Bon Odori đã trở thành một lễ hội văn hóa, một dịp để người Nhật đoàn tụ và vui chơi. Người ta tổ chức vũ hội với các điệu múa cổ truyền (Bonodori) nhằm mục đích thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp, với hi vọng mang lại sự yên bình cho những linh hồn đã khuất. Đặc trưng của điệu múa này là những động tác nhanh, mạnh, dứt khoát, và điều đặc biệt là mọi người từ trẻ con đến người lớn tuổi đều có thể học và nhảy được.
Lễ hội Bon Odori (lễ hội múa truyền thống) với các điệu múa mà mọi người từ trẻ con
đến người lớn tuổi đều có thể học và nhảy được
Lễ hội Nagoya
Được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 10 tại thành phố Nagoya để tưởng nhớ các vị anh hùng samurai, lễ hội Nagoya tái hiện lại một cuộc diễu hành của các chiến binh Nhật thời cổ, với những chiếc thuyền hoa trang trí rực rỡ cùng ngai vàng của thần Shinto (một tín ngưỡng cổ xưa của người Nhật). Hình ảnh các vị dũng sĩ samurai được tái hiện lại trong không khí sôi động và tràn ngập sắc màu với hàng trăm nhân vật hóa trang. Lễ hội thu hút khách du khách không chỉ bởi những màn diễu hành hoành tráng mà còn vì nó đã tôn vinh những giá trị lịch sử, tinh thần của người Nhật.
Trong lễ hội Nagoya, hình ảnh các vị dũng sĩ samurai được tái hiện lại trong không khí sôi động
và tràn ngập sắc màu với hàng trăm nhân vật hóa trang
Những lễ hội kể trên chỉ là một trong các lễ hội tiêu biểu tại Nhật Bản. Nếu bạn không có điều kiện đến đất nước Nhật Bản để trải nghiệm các lễ hội đặc sắc này, hãy đến với chương trình OSHOUGATSU – TẾT NHẬT BẢN do Hướng Nghiệp Á Âu đươc tổ chức vào ngày 25/01/2015. Chương trình sẽ tái hiện lại ngày lễ hội lớn nhất trong năm của Nhật Bản với những tiết mục đặc sắc, đan xen với phần giao lưu ẩm thực độc đáo hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Đặc biệt, chương trình hoàn toàn miễn phí, vì vậy còn ngại ngần gì nữa mà bạn không tham gia với chúng tôi.
Ý kiến của bạn