Nếu ẩm thực miền Bắc có phần tinh tế, cầu kỳ, ẩm thực miền Trung thanh đạm thì nhắc về ẩm thực miền Nam người ta thường dùng các tính từ “đơn giản, đậm đà”. Nhiều người cho rằng ẩm thực Nam Bộ thể hiện đúng cuộc sống giản đơn, chân chất nhưng đầy nghĩa tình của người dân nơi đây. Văn hóa ẩm thực Nam Bộ cũng có nhiều đặc điểm nổi bật khiến nhiều người tò mò và thích thú nghiên cứu.
Người Nam Bộ ăn theo mùa
Người Nam Bộ “ăn theo thuở, ở theo thời” hay nói cách khác người địa phương tận dụng nguyên liệu theo từng mùa. Mỗi mùa nước nổi cũng là mùa cá linh, mùa đông bông điên điển, thiên lí, bông súng, sầu đông… Còn đến mùa gặt, người dân lại có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon từ cá lóc, cua đồng, rau đắng… Mùa nào thức ấy quả không sai.
Gỏi bông súng là đặc trưng mùa nước nổi của ẩm thực miền Tây Nam Bộ (Ảnh: Internet)
Ẩm thực miền Nam Bộ còn đa dạng bởi những loại thủy hải sản như con còng, con cua, ba khía, chuột, cóc, nhái, ếch… Thậm chí, người dân địa phương còn dùng các loại côn trùng để chế biến thành những món ăn độc đáo như cào cào, dế… Đặc trưng về nền ẩm thực đa dạng, phong phú theo từng vùng cũng được nhắc đến trong câu ca dao:
“Gió đưa gió đẩy
Về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá
Về đồng ăn cua
Bắt cua làm mắm cho chua
Gởi về quê nội khỏi mua tốn tiền”
Chế biến và ăn: Tại chỗ
Một đặc trưng nổi bật khác của ẩm thực Nam Bộ được nhiều tài liệu nhắc đến là thói quen chế biến món ăn và ăn ngay tại chỗ. Không gian chế biến món ăn gần gũi thường gắn liền với khuôn viên vườn, mảnh ruộng, bờ ao, khoảng sân của từng gia đình… Chắc hẳn, bạn sẽ chẳng còn xa lạ gì với hình ảnh người miền Tây thường chế biến cá lóc nướng trui hay nồi canh chua cá lóc ngay sau buổi tát thìa.
Về nơi ăn, người miền Nam rất thích thưởng thức món ăn ngay tại nơi chế biến, bởi họ cho rằng như vậy mới có thể cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ăn. Đối với những bữa cơm gia đình hằng ngày, người dân miền Nam Bộ thường bố trí nơi ăn hợp lý tùy thuộc vào không gian nhà rộng hay hẹp. Đặc biệt trong ẩm thực miền Tây Nam Bộ, nhiều gia đình còn dọn cơm ngay trên sàn nhà. Tuy nhiên, khi có đám tiệc, người miền Nam sẽ bày biện bàn ăn ở nơi trang trọng, ấm cúng thể hiện sự hiếu khách của gia chủ.
Vị ngọt đặc trưng của món miền Nam
Khác với vị mặn của ẩm thực miền Bắc, vị cay nồng của món ăn miền Trung, người dân Nam Bộ chủ yếu ăn ngọt và thích vị ngọt. Vì thế, người miền Nam Bộ thường xuyên sử dụng đường để nêm nếm món ăn trong chế biến. Đồng thời, điều này cũng lý giải tại sao nơi đây là quê hương xuất hiện nhiều loại chè ngon nổi tiếng như chè bà ba, chè đậu, chè bắp, chè bưởi…
Nói như vậy không có nghĩa là người miền Nam chỉ ăn ngọt. Vị trong ẩm thực của họ khá rõ ràng có thể gọi là “gì ra nấy”. Bạn có thể cảm nhận được điều đó qua món kho quẹt mặn quéo lưỡi, vị cay nồng của ớt trái, gừng già trong bát nước chấm, ngọt béo ngậy của bát nước chè phủ lớp nước cốt dừa bên trên…
Vị ngọt là một trong những đặc trưng của ẩm thực miền Nam Bộ (Ảnh: Internet)
Văn hóa ẩm thực Nam Bộ là “cả một trời thương nhớ” trong lòng người Việt. Khám phá ẩm thực vùng đất này cũng là cả công trình quy mô cần sự nghiên cứu hết sức kì công. Giống như không phải ai cũng biết người miền Nam dùng tiêu trong món ăn không chỉ để tăng vị cay mà còn thêm vị ngọt:
“Ví dầu cá lóc nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”
Ý kiến của bạn