Hủ tiếu khô hay còn được gọi với cái tên bình dân là hủ tiếu 2 tô, là một món ngon tuy không cầu kỳ nhưng luôn có sức hấp dẫn. Nấu hủ tiếu khô quan trọng nhất là làm được xốt trộn hủ tiếu sao cho thấm, sợi mềm, thơm và nước lèo kế bên cũng phải thật đậm đà, ngọt từ xương. Để có thể tự làm được hủ tiếu khô ngay tại nhà thì bạn hãy theo dõi công thức dưới đây nhé!
Hủ tiếu khô với rất nhiều nguyên liệu ăn kèm hấp dẫn tột cùng
Nguyên liệu nấu nước lèo
- 500gram xương ống heo
- 1 củ cải trắng cắt khoanh
- 2 củ hành khô bóc vỏ
- 3 – 4 con khô mực loại nhỏ hoặc 2 con khô mực loại lớn
- 6 muỗng canh nước mắm
- 4 muỗng cà phê đường
- 2 muỗng cà phê hạt nêm
- 2 muỗng cà phê muối
Nguyên liệu ăn kèm
- 4 con tôm luộc chín rồi bóc vỏ
- 10 trái trứng luộc chín rồi bóc vỏ
- 100gram thịt nạc luộc rồi thái lát mỏng
- 100gram gan heo luộc rồi thái lát mỏng
- 200gram thịt heo bằm
- ½ chén con hành khô băm nhỏ
- ½ chén con tỏi băm nhỏ
- 2 – 3 muỗng canh nước tương
- 1 muỗng canh dầu hào
- 2,5 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng cà phê hạt nêm
Ngoài ra bạn chuẩn bị thêm 2 chén con tỏi băm nữa để làm tỏi phi.
Và tất nhiên đừng quên chuẩn bị hủ tiếu sợi nữa nhé!
Cách làm hủ tiếu khô
Nấu nước lèo
Nấu nước lèo là bước có thể xem là quan trọng nhất của món hủ tiếu. Dù cho chúng ta đang nấu hủ tiếu khô thì vị ngọt thanh, đậm đà của nước dùng kèm vẫn có sức hút quyết định tô hủ tiếu của bạn có ngon hay không. Trong cách làm này, chúng ta lấy độ ngọt hoàn toàn từ xương ống. Tổng thời gian hầm và nấu mất khoảng 70 phút.
Xương ống heo mua về bạn phải rửa cho thật sạch. Tuy nhiên, sau khi đã rửa với muối và nước rửa bớt đục thì chắc chắn xương vẫn còn có mùi. Khi đó bạn cần phải chần sơ trong 5 phút, xả lại với nước lạnh.
Cho 3 lít nước vào nồi, sau đó cho xương đã chần vào hầm.
Sau khi nước đã sôi lần 1, bạn hạ nhỏ lửa lại, thêm hành tím, củ cải trắng và khô mực vào, hầm trong 60 phút.
Hết 60 phút, bạn cho toàn bộ gia vị bao gồm nước mắm, đường, hạt nêm, muối theo định lượng ở phần chuẩn bị vào. Nấu thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp. Nước lèo như vậy là đã hoàn thành.
Ngoài tôm, trứng cút, thịt và gan heo đã luộc, bạn xào thêm thịt bằm và đặc biệt là hành phi để trộn hủ tiếu.
Nấu nước lèo (Ảnh: Internet)
Xào thịt bằm
Cho một ít dầu ăn vào chảo làm nóng, sau đó cho thịt đã bằm vào xào. Nếu bạn muốn thịt thơm thì cho một ít tỏi và hành tím vào phi, sau đó cho thịt bằm vào xào chín.
Làm nước xốt trộn
Cho một ít dầu ăn vào, làm nóng, sau đó cho cùng lúc tỏi, nước tương, dầu hào, đường, hạt nêm bà 100ml nước vào nấu. Để lửa thật nhỏ, nấu cho xốt sủi tăm lên thì tắt bếp.
Phi tỏi
Cho ½ chén con dầu ăn vào chảo làm cho thật nóng, sau đó cho tỏi vào phi. Lưu ý là bạn cần phải để nhỏ lửa tránh trường hợp tỏi bị cháy khét. Bạn đảo đều tay để cho tỏi được vàng đều.
Trộn hủ tiếu khô (Ảnh: Internet)
Chuẩn bị để có một tô hủ tiếu khô thật ngon
Sau khi chuẩn bị xong cả phần nước, hủ tiếu và các thành phần ăn kèm thì giờ chúng ta chỉ việc sắp xếp và thưởng thức thôi!
Ý kiến của bạn