Cách Làm Xôi Mặn Ngon Không Thua Kém Gì Ngoài Hàng Quán

Xôi mặn thưởng thức cùng nhiều loại topping và nước xốt đặc trưng là món ăn sáng quen thuộc của rất nhiều người. Nếu muốn tự tay chế biến món xôi thập cẩm tại nhà cho gia đình cùng thưởng thức để đảm bảo dinh dưỡng và hợp vệ sinh, bạn hãy tham khảo ngay cách nấu xôi mặn mà Bếp Trưởng Á Âu chia sẻ chi tiết dưới đây.

cách nấu xôi mặn

Món xôi mặn thập cẩm hấp dẫn, thơm ngon đậm đà (Ảnh: Internet)

Xôi mặn được nhiều người lựa chọn để ăn sáng vì có thể no lâu và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Từng hạt xôi căng bóng, mỡ hành béo ngậy kết hợp cùng đa dạng nguyên liệu ăn kèm như các loại chả, lạp xưởng, heo quay, trứng chiên, chà bông… rất thơm ngon và đậm đà. Cách nấu xôi mặn thập cẩm cũng không quá khó, bất kể ai cũng có thể tự tay vào bếp thực hiện thành công món ăn để chiêu đãi gia đình. Cùng vào bếp ngay nhé!

Cách nấu xôi mặn thập cẩm mềm dẻo

Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg nếp ngâm khoảng 3 – 4 tiếng
  • 100g chả quế
  • 100g chả lụa
  • 100g lạp xưởng
  • 80g cà rốt
  • Hành tím, tỏi
  • Nước cốt dừa
  • 50g tôm khô
  • Hành lá, hành phi
  • 50g chà bông
  • Gia vị: dầu ăn, nước mắm, muối, đường, hạt nêm, nước tương…

Nguyên liệu làm xôi mặn

Nguyên liệu làm xôi mặn (Ảnh: Internet)

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

  • Đem nếp đã ngâm rửa sạch lại với nước. Ướp vào thau nếp nửa muỗng muối, nửa muỗng hạt nêm và 3 muỗng nước tương. Sau đó đảo đều cho phần nếp thấm gia vị.
  • Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, thái nhỏ rồi cho ra chén. Ướp thêm ít muối, bột ngọt rồi đổ khoảng 3 muỗng dầu nóng vào để làm hỗn hợp mỡ hành.
  • Tôm khô ngâm với nước ấm cho mềm.
  • Các loại chả ăn kèm xắt hạt lựu.
  • Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, thái thành hạt lựu.
  • Hành tím, tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.

Bước 2: Hấp xôi

Bắc nồi hấp cách thủy lên bếp, đổ nước vào và nấu sôi. Cho nếp vào xửng hấp, đặt thêm miếng vải sạch lên miệng nồi rồi đậy nắp lại hấp trong vòng 20 phút.

Dàn đều nếp xung quanh xửng hấp

Dàn đều nếp xung quanh xửng hấp để xôi chín đều (Ảnh: Internet)

Bước 3: Xào nhân

Bắc chảo lên bếp, cho vào 2 muỗng dầu ăn rồi đun sôi. Dầu sôi thì cho hành tỏi băm vào phi thơm. Kế đến, cho tôm khô và cà rốt xắt hạt lựu vào xào.

Tiếp tục cho hết chả quế, chả lụa và lạp xưởng vào xào chung, nêm vào nửa muỗng hạt nêm và một ít tiêu xay cho dậy mùi thơm, đảo đều trong khoảng 4 phút thì tắt bếp.

Bước 4: Trộn xôi với nhân

Xôi sau khi hấp được 20 phút thì mở nắp và xới đều lên. Cho 3 muỗng nước cốt dừa và toàn bộ phần nhân đã xào vào, xới đều để phần nhân và xôi hòa quyện vào nhau rồi đậy nắp lại hấp thêm 15 phút nữa là hoàn thành.

Trộn đều phần xôi với nước cốt dừa

Trộn đều phần xôi với nước cốt dừa và các loại nhân (Ảnh: Internet)

Thành phẩm và thưởng thức

Hạt xôi dẻo thơm, nở đều hòa quyện cùng phần nhân thơm lừng, thấm vị rất hấp dẫn và ngon miệng. Cho xôi ra đĩa, thêm mỡ hành, hành phi và chà bông lên nữa là bạn đã có ngay bữa sáng ngon lành, bổ dưỡng cho cả gia đình.

Thưởng thức đĩa xôi mặn thập cẩm ngon

Thưởng thức đĩa xôi mặn thập cẩm ngon chuẩn vị (Ảnh: Internet)

Cách nấu xôi mặn của người hoa

Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg nếp đã ngâm
  • 300g thịt gà
  • 200g thịt xá xíu
  • 30g tôm khô
  • 50g nấm đông cô tươi
  • 100g lạp xưởng
  • 1 quả trứng gà
  • Hành phi, chà bông
  • Gia vị: dầu ăn, nước mắm, dầu hào, nước tương, muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, tiêu xay, bột ngũ vị hương…

Các bước thực hiện

Bước 1: Làm nước xốt trộn xôi

Cho vào chén nửa muỗng muối, 1 muỗng bột ngọt, 2 muỗng đường, 2 muỗng dầu hào, 1 muỗng nước tương và 5 muỗng nước sôi rồi khuấy đều cho gia vị tan hết.

Bước 2: Hấp xôi

Nếp sau khi đã ngâm đủ thời gian thì rửa sạch lại rồi cho vào xửng hấp cấp thủy, dùng đũa trộn đều, chừa lỗ thoát hơi để xôi nhanh chín. Đậy nắp nồi và hấp trong khoảng 45 phút để xôi chín và đạt độ dẻo.

Xôi sau khi hấp thì cho ra thau và trộn đều với nước xốt, bạn có thể thêm ít tỏi phi cho thơm.

Hấp xôi và trộn xôi với nước xốt

Hấp xôi và trộn xôi với nước xốt (Ảnh: Internet)

Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác

  • Xá xíu đem cắt hạt lựu.
  • Lạp xưởng rửa sạch, luộc trong 10 phút rồi xắt hạt lựu.
  • Nấm đông cô tươi ngâm qua nước muối, rửa sạch rồi cũng cắt nhỏ hình hạt lựu.
  • Tôm khô ngâm qua nước ấm cho mềm rồi băm nhỏ.
  • Thịt gà sơ chế sạch, luộc chín rồi thái hạt lựu.

Thái các nguyên liệu làm nhân xôi thành hạt lựu

Thái các nguyên liệu làm nhân xôi thành hạt lựu (Ảnh: Internet)

Bước 4: Xào nhân xôi

Đặt chảo lên bếp, rót vào 2 muỗng dầu ăn, đun sôi. Sau đó phi hành tỏi băm đến khi vàng thơm thì cho tôm khô vào xào dậy mùi. Tiếp đến cho thịt gà, nấm đông cô, lạp xưởng, xá xíu vào đảo đều rồi nêm nửa muỗng muối, nửa muỗng nước mắm, nửa muỗng bột ngọt, 1 muỗng đường, nửa muỗng hạt nêm, 1 muỗng dầu hào, 1 muỗng nước tương, nửa muỗng ngũ vị hương và nửa muỗng tiêu xay.

Khuấy đều tay cho gia vị tan hết rồi đập 1 quả trứng gà vào xào đến khi hỗn hợp nhân chín mềm và vàng thơm đẹp mắt thì tắt bếp.

Phần nhân vừa xào xong còn nóng hổi đem trộn liền với xôi để dễ thấm gia vị. Trộn đều tay rồi rắc thêm ít hành phi nữa là hoàn thành.

Trộn đều xôi với phần nhân đậm đà

Trộn đều xôi với phần nhân đậm đà, được nêm vừa vị (Ảnh: Internet)

Thành phẩm và thưởng thức

Thành phẩm món xôi mặn chuẩn vị người Hoa có hương thơm lừng từ nếp và phần nhân hấp dẫn, đầy đủ hương vị. Từng hạt xôi dẻo mềm, ăn kèm với thịt xá xíu, lạp xưởng, thịt gà béo ngọt rất ngon miệng. Thưởng thức xôi kèm với hành phi, chà bông, rau ngò và dùng lúc còn nóng sẽ thơm ngon hơn.

Món xôi mặn người Hoa

Món xôi mặn người Hoa hay còn gọi là xôi bát bửu có hương vị rất đặc biệt và cuốn hút (Ảnh: Internet)

Bí quyết lựa chọn nguyên liệu tươi ngon để nấu xôi mặn

Cách chọn mua nếp

  • Chọn những hạt nếp đồng đều, màu trắng đục, ít bị gãy vụn.
  • Bạn nên lựa chọn loại nếp cái hoa vàng để nấu xôi sẽ dẻo và thơm hơn.
  • Nếp mới có mùi thơm đặc trưng, khi cắn thử cảm nhận rõ vị ngọt, không có mùi lạ.
  • Không mua nếp để lâu, đã chuyển sang màu vàng nhạt.

Cách chọn mua các nguyên liệu khác

  • Lạp xưởng: Mua lạp xưởng có lớp vỏ khô ráo, màu tươi đều, săn chắc, không bị chảy nước mỡ. Thịt màu đỏ sẫm, mịn màng và có mùi thơm đặc trưng.
  • Tôm khô: Tôm có màu đỏ tươi, khô ráo, không bị mốc, phần thịt không quá mềm cũng không quá khô.
  • Chả lụa: Chả lụa ngon sẽ có màu hồng nhẹ, có các lỗ to nhỏ trên bề mặt, dậy mùi thơm từ thịt và lá chuối.
  • Chà bông: Chọn chà bông có màu vàng nhạt, sợi tơi như bông, nếm thử cảm nhận độ ngọt tự nhiên, không bị dai.

Xôi mặn thập cẩm có sự hài hòa giữa nhiều hương vị khác nhau, được đông đảo người dùng ưa chuộng dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hy vọng với hướng dẫn cách nấu xôi mặn mà Bếp Trưởng Á Âu đã chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn thực hiện thành công món ăn này một cách đơn giản và nhanh chóng tại gian bếp của mình.

Điểm: 4.2 (17 bình chọn)

Tác giả: Nguyễn Richard

Biên tập viên Website Bếp Trưởng Á Âu, tốt nghiệp khóa Nghiệp Vụ Bếp Trưởng tại HNAAu. Hiện đang là Bếp phó tại Nhà hàng hải sản Mũi Né với những gì mà Richard Nguyễn chia sẻ hy vọng sẽ giúp các bạn tích lũy các kỹ năng nghiệp vụ chắc chắn để phát huy những nét đẹp, tinh túy trong lộ trình nghề nghiệp của bạn.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn