Bạn muốn phát triển công việc trong ngành bếp, nhưng bạn đã thực sự hiểu hết các vị trí công việc trong một bếp ăn chưa? Và ngoài Bếp Trưởng ra thì ai là người có trách nhiệm quản lý các hoạt động cụ thể trong bếp?
Bếp Phó là ai?
Trong bếp ăn, Bếp Phó là người có tiếng nói thứ hai sau Bếp Trưởng. Nếu Bếp Trưởng là người chịu trách nhiệm bao quát tất cả các hoạt động của bếp ăn thì Bếp Phó là người chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể. Bếp Phó hỗ trợ Bếp Trưởng các công việc như lên thực đơn, đặt kế hoạch chi tiêu và đặt hàng,…Trong những bếp ăn quy mô lớn luôn có nhiều hơn một Bếp Phó, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm một bộ phận, một khu vực riêng.
Trong bếp ăn lớn, Bếp Phó là ai?
Công việc cụ thể của Bếp Phó là gì?
– Bếp Phó là người quản lý nhà bếp, giám sát việc chuẩn bị, thực hiện và cung cấp thực phẩm trong thời gian mở cửa nhà hàng. Theo đó, Bếp Phó sẽ báo cáo với Bếp Trưởng các hoạt động trong nhà bếp; Giám sát quá trình chuẩn bị, đảm bảo chất lượng vả sự phù hợp của thực phẩm để đảm bảo các món ăn mà bếp ăn phục vụ có chất lượng tốt nhất; Và Bếp Phó sẽ chịu trách nhiệm đặt hàng, kiểm tra số lượng tồn kho, duy trì chất lượng các loại thực phẩm đi vào bếp ăn.
– Bếp Trưởng là người tạo ra những công thức nấu ăn mới thì Bếp Phó là người chịu trách nhiệm lên thực đơn hàng ngày, kiểm soát thời gian phục vụ bữa ăn. Định kì kiểm tra chất lượng và hương vị của món ăn theo công thức của Bếp Trưởng và đảm bảo nhân viên trong nhà bếp tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn công thức, thực phẩm được Bếp Trưởng đưa ra. Cập nhật và đề xuất các công thức nấu ăn mới với Bếp Trưởng cũng là công việc của Bếp Phó.
– Về nhân sự trong bếp, Bếp Phó là người cập nhật lịch làm việc, giám sát việc thực hiện các nội quy trong bếp ăn như đồng phục, vệ sinh cá nhân của nhân viên trong bếp. Theo dõi thời gian, thái độ làm việc của từng nhân sự. Chịu trách nhiệm đào tạo, theo dõi quá trình làm việc của những nhân viên mới. Bếp Phó còn chịu trách nhiệm vệ sinh chung của cả khu bếp, điều phối, giám sát nhân viên bếp thực hiện đúng các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.
Yêu cầu đối với Bếp Phó
– Bếp Phó phải có kiến thức về ẩm thực, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chuẩn bị thức ăn, lựa chọn nguyên liệu.
– Bếp Phó phải có kỹ năng lãnh đạo và quản lý vì Bếp Phó phải quản lý nhân sự trong bếp ăn, giám sát và báo cáo công việc cho Bếp Trưởng, sắp xếp bố trí thời gian hợp lý.
– Về chuyên môn, Bếp Phó phải là người có khẩu vị tinh tế, cảm giác về các món ăn chuẩn xác để đảm bảo chất lượng món ăn khi phục vụ cho thực khách.
– Về kiến thức, Bếp Phó phải có kiến thức cơ bản về sức khỏe, dinh dưỡng. Am hiểu các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn và có ít nhất hai năm kinh nghiệm về nghề bếp.
Thu nhập của Bếp Phó
Theo khảo sát, thu nhập trung bình của một Bếp Phó tại Việt Nam là từ 10 – 14 triệu/tháng, nếu tính cả phụ cấp, tip và phí phục vụ thì đến gần vài chục triệu/ tháng. Tùy vào quy mô của nơi làm việc, mức thu nhập này có thể thay đổi, nhưng đây vẫn là mức thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều người.
Tuy nhiên để trở thành Bếp Phó trong bếp ăn, cần cả quá trình học tập và rèn luyện từ những vị trí thấp hơn, vì vậy ngay từ bây giờ bạn cần nắm rõ yêu cầu công việc và bắt đầu chuẩn bị hành trang cần thiết nếu muốn theo đuổi nghề bếp.
Ý kiến của bạn