Đầu Bếp Tổng Thống – Những Người ‘Làm Ngọt’ Bàn Ngoại Giao

Họ là những đầu bếp hàng đầu chuyên phục vụ các nhà lãnh đạo thế giới, những bậc thầy của nghệ thuật “làm ngọt” các mối quan hệ quốc tế thông qua những bữa tiệc thịnh soạn. Đầu tuần này, các đầu bếp tổng thống đã bắt đầu tụ họp tại Paris để trao đổi các công thức và bí quyết cho một nền “ngoại giao tiệc tối”.

Đúng như Winston Churchill từng nói cách đây một thế kỷ “Cái dạ dày điều khiển cả thế giới”, câu lạc bộ gồm 27 “nhạc trưởng” bếp núc này cũng có một ảnh hưởng vô hình đối với tâm trạng của các nhà lãnh đạo trước khi họ đưa ra những quyết định về đủ mọi vấn đề, từ cuộc khủng hoảng tại Syria (Xyri) cho đến gánh nặng nợ công tại Eurozone.

“Các vị tổng thống đến rồi đi, chỉ đầu bếp ở lại. Tôi thường nói rằng, nếu chính trị chia rẽ thì bàn ăn mang mọi người lại gần nhau”, ông Gilles Bragard, doanh nhân Pháp đã khởi xướng ra câu lạc bộ các đầu bếp tổng thống và hoàng gia thế giới vào năm 1977, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Paris.

Ông Daryl Schembeck, bếp trưởng của nhà bếp Liên hợp quốc, người vừa nấu ăn phục vụ bữa tiệc của 200 nhà lãnh đạo thế giới, thì khẳng định: “Tôi nghĩ những gì tôi nấu có thể tạo ra khác biệt đối với không khí của các cuộc đàm phán. Nếu bữa ăn ngon miệng và mọi người thích thú thưởng thức, thì họ có thể nói chuyện về nó, rồi bắt đầu một cuộc đàm luận khác. Tôi nghĩ tôi có thể gây ảnh hưởng thông qua điều đó”.

Tham dự hội nghị lần này tại Paris còn có bếp trưởng Nhà Trắng, Cristeta Comerford, người đã từng nấu ăn cho Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và nay là Tổng thống Barack Obama.

Đến từ chính “kinh đô ánh sáng” là đầu bếp kỳ cựu Bernard Vaussion, người đã phục vụ bữa ăn cho các nhà lãnh đạo Pháp trong gần 40 năm.

Các bếp trưởng đến từ nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Sri Lanka, Israel cũng đã hội ngộ trong chuyến thăm 3 ngày tại thủ đô Pháp nhằm lấy mẫu các nguyên liệu và chia sẻ công thức.

Đầu bếp tổng thống
Tổng thống Pháp Hollande tiếp các “nhạc trưởng” bếp núc thế giới

Từ Napoleon tới Thatcher

Trong lịch sử các bếp trưởng đã đóng một vai trò hậu trường then chốt đối với nền ngoại giao thế giới, giúp xoa dịu các mối quan hệ căng thẳng và mở đường cho các cuộc đàm phán. Nhà ngoại giao vĩ đại người Pháp Charles Talleyrand từng nói vui với Hoàng đế Napoleon Bonaparte rằng: “Hãy cho tôi một đầu bếp giỏi, tôi sẽ cho ngài những hiệp ước tốt”.

Với dụng ý xoa dịu căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng Eurozone, khi Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp nhau hồi đầu tháng này tại lễ kỷ niệm 50 năm khôi phục quan hệ ngoại giao Pháp-Đức, các bếp trưởng Pháp đã tái hiện bữa ăn nổi tiếng với thịt bò filet và bánh macaron, từng được phục vụ Tướng Charles de Gaulle và Thủ tướng Konrad Adenauer khi họ gặp nhau để ký kết hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962.

Trước đó, đúng vào ngày ông Hollande nhậm chức hồi giữa tháng 5, bà Merkel đã tiếp tân tổng thống Pháp tiệc cốt lết bê rán, măng tây và rượu vang đỏ tại Berlin.

Các đầu bếp, trong đó có nhiều người hằng ngày được tiếp cận với những nhà trung gian quyền lực của thế giới, đều giành được sự tin cậy tối đa từ các ông chủ. Hiện nay, chỉ duy nhất Điện Kremlin có một người thử thức ăn chính thức cho tổng thống, trong khi các nhà lãnh đạo khác đều giao trọn dạ dày của họ vào tay các đầu bếp.

Các bếp trưởng của nguyên thủ quốc gia luôn rất thận trọng khi đề cập đến bất cứ bí mật nào họ nghe được từ thế giới ngoại giao, nhưng họ thường thoáng hơn khi nhắc lại những giai thoại về các cựu lãnh đạo. Ông Anton Mosimann, người nấu ăn cho nhiều đời thủ tướng Anh, từng kể lại chuyện “bà đầm thép” Margaret Thatcher yêu cầu một bữa ăn thịnh soạn để tiếp đón Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterand. Ông đã tuân theo chỉ đạo này và tâm điểm của bữa ăn là món thịt bê với nấm Morcela.

Trong một cuộc trò chuyện vài năm sau đó, nữ chính khách Anh nổi tiếng thanh đạm đã khen ngợi về bữa ăn này nhưng không quên chê cái giá quá đắt đỏ của nó. “Đó là bà Thatcher, bà ấy không bao giờ quên điều gì”, Mosimann nhận xét.

Trong khi đó, bếp trưởng điện Elysee, Vaussion cho biết, món cấm kỵ hiện nay trong các bữa ăn ngoại giao dành cho các vị khách Mỹ là gan ngỗng, vốn bị cấm tại California, mặc dù bếp trưởng Nhà Trắng, Comerford cho biết, bà không ngại phục vụ món gan ngỗng từ Mỹ. “Mục đích của chúng tôi, tất nhiên, luôn là tránh làm cho các vị khách khó chịu”, ông Vaussion nói.

Điểm: 4.91 (12 bình chọn)

Tác giả: Nguyễn Richard

Biên tập viên Website Bếp Trưởng Á Âu, tốt nghiệp khóa Nghiệp Vụ Bếp Trưởng tại HNAAu. Hiện đang là Bếp phó tại Nhà hàng hải sản Mũi Né với những gì mà Richard Nguyễn chia sẻ hy vọng sẽ giúp các bạn tích lũy các kỹ năng nghiệp vụ chắc chắn để phát huy những nét đẹp, tinh túy trong lộ trình nghề nghiệp của bạn.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn