“Anh hùng trong đời thường không nhất thiết chỉ là những người mà ai cũng biết đến. Họ cũng có thể là những người lặng lẽ cống hiến sức mình để làm đẹp cho đời.” (GS. Trần Hữu Dũng).
Mỗi dịp Xuân về, chúng ta vẫn thường hay nghĩ về sự cống hiến thầm lặng như những chiến sĩ nơi đảo xa, như những bác sĩ trực đêm vì người bệnh, như những biên tập viên báo chí – truyền hình… Họ đều là những người đã hy sinh những giây phút giao thừa hay thời khắc đầu năm ý nghĩa vì lợi ích chung của mọi người. Với tôi, tôi xin dành sự cảm ơn trân trọng và đặc biệt này của mình đến Đầu bếp – những người dù rất lặng lẽ nhưng đã góp phần làm Tết thêm đậm.
Xin dành một lời cảm ơn đặc biệt đến người Đầu bếp,
dù lặng lẽ nhưng đã góp phần làm Tết thêm đậm
Chúng ta thường nghĩ thế nào về ngày Tết của người đầu bếp?
26, 27 Tết, chúng ta ai nấy cũng vội vã rời khỏi thành phố tấp nập cho kịp những chuyến xe cuối năm trở về nhà.
28, 29 Tết, chúng ta ai nấy cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa và trang hoàng thật đẹp cho tổ ấm nhỏ của mình để chuẩn bị mừng năm mới.
Đêm 30 Tết, chúng ta ai nấy cũng khẽ thu mình trong áo khoác, ngồi quây quần cùng gia đình bên mâm cơm nhỏ, xem vài chương trình, nhóm một ngọn lửa nhỏ trước nhà rồi nhỏ to cùng nhau vài câu chuyện cuối năm.
Nhưng 26, 27, 28, 29, thậm chí 30 Tết và nhiều hơn thế nữa của người Đầu bếp lại có nhiều phần khác biệt. Có những người 2 – 3 giờ sáng đêm Giao thừa mới tất tả rời nơi làm việc, có những người vừa kịp ăn mâm cơm đầu năm với gia đình đã vội vã thay đồng phục đến nhà hàng, nhiều người trong số họ vẫn làm đủ 8 tiếng một ngày, và cũng chẳng ít người trong số họ là những người tha hương. Tự hỏi rằng liệu họ có chạnh lòng không? Có. Tự hỏi họ có một chút buồn nào không? Chắc là khó lòng mà tránh khỏi.
Nhưng nỗi buồn sẽ qua nhanh, bởi là người Đầu bếp, họ cũng có những niềm vui lớn khác đủ để lấp đầy.
Đậm là khi sống hết mình và được cho đi
Gần đây mọi người thường nói về Tết đậm hay Tết nhạt. Đậm là khái niệm được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh. Trong ẩm thực, đậm trong đậm đà chỉ mức độ về hương vị của món ăn, thường là ngon. Trong đời sống, đậm là cách nói về một cuộc sống nhiều ý nghĩa, làm mọi việc một cách sâu sắc, chân thành, có dấu ấn. Thực chất cách cảm nhận về đậm – nhạt còn tùy thuộc vào cảm giác chủ quan của mỗi người. Nhưng kì thực với tôi, mỗi người Đầu bếp đều đã góp phần làm Tết trở nên thật đậm đà – theo cả nghĩa gốc và nghĩa phái sinh.
Người Đầu bếp làm Tết đậm trước hết vì họ nấu ăn ngon. Nấu ngon là nhiệm vụ và sứ mệnh của người đứng bếp. Nêm gia vị rồi nêm cả yêu thương, nêm chút đường rồi nêm luôn những xúc cảm, nêm mắm muối và có lẽ cũng nêm cả những thương yêu trong lòng… Với mỗi người đầu bếp yêu nghề, nêm nếm phải có gia vị và có cả tấm lòng. Mỗi món ăn phải là một thông điệp. Mỗi món ăn cũng là một lời chúc. Đậm đà trong món ăn chính là như thế!
Tết thời hiện đại, mọi người cũng hay kéo nhau đi chơi rồi dùng bữa bên ngoài hơn là chỉ ngồi ở nhà. Đặc biệt vào những ngày này, khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam cũng “siêng năng” đến các nhà hàng để khám phá món ăn ngày Tết của người Việt Nam nhiều hơn. Và chẳng ai khác ngoài Đầu bếp là người đã góp phần mang Tết Việt đến cho bạn bè quốc tế năm châu qua những món ăn, mâm cỗ truyền thống được phục vụ tại các Nhà hàng – Khách sạn vào những ngày đầu năm, giúp thực khách phương xa cảm nhận được không khí Tết của đất nước chúng ta.
Tết của người Đầu bếp cũng có cả niềm vui đến từ những chuyến đi từ thiện nhiều ý nghĩa. Khi chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng Tết là để sẻ chia, thì chính những người Đầu bếp đã cùng thực hiện sứ mệnh sẻ chia và nhân rộng niềm vui đến với nhiều người hơn. Năm thì đến những trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão; năm thì lặn lội đến những vùng sâu xa để góp miếng cơm, chia sẻ manh áo, nấu thêm thật nhiều những món ăn ngon phục vụ Tết cho những người còn gặp nhiều khó khăn.
Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, cũng là dịp để chúng ta dành thật nhiều thời gian ở nhà cùng người thân sau 1 năm vất vả. Tết của người Đầu bếp có thể chẳng vẹn tròn theo cách ấy, nhưng lại đủ đầy theo nghĩa của sự tận tâm, tận hiến và dám hy sinh. Bởi lẽ Tết với họ có thể ít thời gian nghỉ hơn nhưng bù là thật nhiều những niềm vui từ việc chia sẻ, từ việc phục vụ và mang niềm vui đến cho nhiều người khác.
Tết của người Đầu bếp đủ đầy theo nghĩa của sự tận tâm, tận hiến và chấp nhận hy sinh
Còn nhớ có một vị Giáo sư đã từng nói: “Có bao nhiêu người đã lặng lẽ như thế sống giữa chúng ta, đã đem đến cho chúng ta những niềm vui và sự thoải mái. Sung sướng của họ ấy là niềm vui được làm việc có ích cho người khác và đem đến cho người khác những nụ cười. Đó là sự dâng hiến.”
Và người Đầu bếp của chúng ta, họ cũng là những người dâng hiến!
Cảm ơn những Người đầu bếp, những người anh, người chị, người em đã lặng lẽ như thế, âm thầm như thế và hết sống hết lòng như thế vì công việc của mình. Chính Đầu bếp là người góp phần làm Tết của chúng ta thêm tiện nghi, đậm đà và cũng chính niềm vui đó khiến Tết của họ đậm đà nhiều hơn.
Ý kiến của bạn