Nhắc đến miền Trung là nhắc đến mảnh đất cằn cỗi và không được thiên nhiên ưu ái như các vùng khác, vì vậy, người dân nơi đây luôn biết trân trọng và biến những sản vật tuyệt vời của quê hương thành những món ăn mang hương vị rất riêng và đặc biệt. Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc, cũng không phồn vinh như ẩm thực miền Nam nhưng ẩm thực miền Trung lại có một chiều sâu riêng, mang đậm chất thanh tao nhẹ nhàng của vùng đất chịu nhiều thiên tai bão tố.
Nhắc đến Miền Trung, có thể kể đến những món ăn nổi tiếng làm nức lòng bao người yêu ẩm thực như Mì Quảng, Cơm Hến, Bún Bò Huế,…Những món ăn của người miền Trung thường được chăm chút kĩ lưỡng về hình thức lẫn nội dung, họ cũng rất cầu kì từ cách chọn nguyên liệu cho đến cách trình bày. Và Huế chính là điển hình cho tinh hoa của ẩm thực miền Trung. Tại Huế, ăn uống được xem là một trong những loại hình văn hóa nên rất được coi trọng, có thể chia ẩm thực Huế thành hai loại khác nhau là ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian.
Món Bún Bò Huế nổi tiếng trong ẩm thực miền Trung
Huế là nơi ở của nhiều Vua Chúa Việt Nam, vì vậy nơi đây sản sinh ra nhiều món ăn ngon và đặc sắc mang đậm chất cung đình, rất cầu kì về chế biến cũng như trang trí. Vì vậy, các món ăn cung đình này ngày xưa chỉ được nấu trong cung cho các Vua triều Nguyễn thưởng thức và không được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Mỗi bữa ăn của Vua thời đó thường phải từ 35 đến 50 món, trong đó phải có một món thuộc bát trân như Nem Công, Chả Phượng, Da Tây Ngưu, Bàn Tay Gấu, Gân Nai, Yến Sào,…Với những món ngon đặc biệt sẽ được ghi chép lại và lưu truyền vào đời sau, cứ như thế, món ăn cung đình Huế ngày càng phong phú và đa dạng.
Món ăn cung đình Huế cầu kì trong chế biến cũng như trang trí
Nói đến ẩm thực dân gian là nói đến ẩm thực của sự dân dã, bình dị. Đó là món ăn được chế biến theo nguyên lí, trang trí và những thói quen ăn uống rất riêng của con người xứ Huế. Đó là sự hài hòa âm dương, ngũ hành trong mâm cơm gia đình. Sự hài hòa độc đáo mang đậm khẩu vị của người Huế như muốn mặn thì có Ruốc, ngọt thì có Chè, béo thì có Bún Bò, cay thì có Cơm Hến…Sự đậm đà trong hương vị tạo nên sự đặc trưng cho món ăn xứ Huế.
Về gia vị, người miền Trung đặc biệt thích ăn cay, dù là món ăn cao lương mỹ vị hay món ăn dân dã đời thường, một khi đã thưởng thức thì thực khách không thể quên cái vị cay rất đặc biệt, không hề giống miền Nam hay Bắc. Ớt được coi là vị nhạc trưởng trong chế biến món ăn cay của người miền Trung. Từ bát Bún Bò cho đến điểm tâm sáng, rồi Cơm Hến, Bún Hến, cho đến các loại nước chấm Bánh Lọc, Bánh Nậm,…tất cả đều cay. Ngoài những món ăn mặn thông dụng, miền Trung còn nổi tiếng với những món ăn “có một không hai”, không thể tìm thấy ở vùng miền khác như Cá Bống Sông Trà, Chim Mía, Kẹo Gương, Mạch Nha, Đường Phổi và Món Don… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê.
Một nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực miền Trung phải kể đến nữa là các loại bánh và chè. Ở đây, chè có đến mấy chục loại, trong đó có những loại chè mang màu sắc cung đình và sang trọng như Chè Hạt Sen, Chè Long Nhãn Bọc Hạt Sen, Chè Đậu Ngự,…mỗi loại chè có hương vị khác biệt nhưng đều có vị rất thơm ngon và hấp dẫn. Người Huế khi nấu chè thường dùng nguyên liệu là Mạch Nha, Đường Phổi, Đường Phèn để tôn vinh món chè tao nhã của mình.
Chè Long Nhãn Bọc Hạt Sen thanh tao xứ Huế
Một món bánh nổi tiếng được nhiều người yêu thích và thường mua về làm quà mỗi khi đến miền Trung đó là Bánh Ít Lá Gai. Không như Bánh Ít miền Nam hay Bắc, Bánh Ít Lá Gai miền Trung nghe tên đã thấy sự dân dã bình dị mà nó vốn đã như vậy. Chiếc bánh đủ nhỏ cho người ăn thưởng thức, vị dẻo thơm, ngọt bùi.
Bánh Ít Lá Gai dân dã của người miền Trung
Ẩm thực miền Trung đặc biệt với hai loại hình ẩm thực trái ngược nhau. Một lối ẩm thực cầu kì, nặng về lễ nghi còn lối kia thì lại rất bình dân, dung dị, đơn giản. Thế nhưng, không phải ẩm thực sang trọng thì có giá trị, ngon và hấp dẫn hơn ẩm thực dân dã. Ở miền Trung, ẩm thực chính là sự hội tụ hài hòa ở cả hai loại hình ẩm thực trên. Hãy cứ thử đến miền Trung một lần, bạn sẽ tự hào vì những món ăn Việt Nam vô cùng phong phú và đặc sắc. Và một khi đã thưởng thức thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên. Còn nếu được, bạn hãy thử tham gia các khóa học nấu ăn với ẩm thực Việt tại các trường dạy nấu ăn uy tín để được khám phá những nét sang trọng nhưng cũng khá bình dị trong ẩm thực Miền Trung.
Đến đây, kỳ 5 của chuỗi bài “Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về ông tổ nghề Bếp” xin được khép lại. Hãy thường xuyên theo dõi các kỳ tiếp theo của chuỗi bài này để cùng chúng tôi khám phá những đặc sắc trong ẩm thực của từng vùng miền trên khắp đất nước nhé!
Nguyên Vũ Thanh Trúc
Ý kiến của bạn