Mâm cơm ngày Tết trước hết là để bày tỏ tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên, sau là để cầu mong cho một năm mới thuận buồm, xuôi gió. Theo 3 miền, mỗi món ăn đều biểu trưng cho những ý nghĩa khác nhau. Điều đó càng làm cho mâm cỗ Tết trở nên thiêng liêng và được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Mâm cơm Tết tươm tất theo phong tục các gia đình miền Bắc
(Ảnh: Internet)
Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết từng vùng miền
Sự khác nhau về khí hậu, đặc sản và cả quan niệm văn hóa, mỗi vùng miền Việt Nam sẽ có những cách sắp xếp mâm cỗ khác nhau. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, người Việt luôn cho rằng khởi đầu thuận lợi sẽ là điềm báo tốt lành. Vì vậy trong những ngày đầu năm, gia đình nào cũng muốn làm những điều tốt nhất để cầu mong sự may mắn, yên bình cho cả năm.
Các món ăn ngày Tết 3 miền
Món ăn ngày Tết miền Bắc
Với khí hậu lạnh, có bề dày lâu đời nhất về lịch sử – văn hóa, các gia đình miền Bắc luôn cố gắng gìn giữ những gì mà ông cha để lại. Vì thế nếu so ra, ẩm thực Tết miền Bắc được xem là khá cầu kỳ, chỉn chu và truyền thống nhất.
Các món ăn thường thấy trên mâm cỗ thường thấy gồm có:
+ Bánh chưng: tượng trưng cho đất, sự tưởng nhớ về tổ tiên, vạn sự vuông vức, đầy đặn
+ Giò lụa: tượng trưng cho trời, trong ấm ngoài êm, không lo thiếu thốn
+ Gà luộc nguyên con: tài lộc, phúc đức đủ đầy, những lời cầu ước sớm thành hiện thực
+ Thịt đông: tình duyên thuận lợi, trong trẻo vạn niên
+ Canh măng khô: no đủ, ấm êm, mọi điều tốt lành.
Món ăn ngày Tết miền Trung
Cũng tương tự như miền Bắc, các gia đình miền Trung cũng có món canh miến măng khô. Ngoài ra còn có thêm:
+ Bánh tét: với nguyên liệu tương tự như bánh chưng nhưng được gói bằng lá chuối và tạo thành hình trụ.
+ Tré: sự sung túc, vương giả và gia đình hòa thuận, gắn bó khăng khít
+ Chả bò: khác với món chả lụa từ giò sống với vẻ hồng hào, miền Trung chuộng loại chả bò hơn với ý nghĩa tương tự.
+ Bánh tổ: đặc biệt ở các xứ Quảng thì bánh này không thể thiếu. Bánh này gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ làm cho trăm con nên mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn.
Bánh tổ là đặc sản ngày Tết của Quảng Nam và một vài tỉnh lân cận
(Ảnh: Internet)
Món ăn ngày Tết miền Nam
So với các khu vực khác, gia đình miền Nam có những món ăn ngày Tết có vẻ giản dị hơn. Thậm chí, các món ăn này còn xuất hiện nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên tất cả đều mang những ý nghĩa cầu mong sự may mắn, đủ đầy cho năm mới.
+ Bánh tét: ngoài nhân thịt thì còn có bánh tét nếp lá cẩm, nhân đậu xanh chay, nhân chuối
+ Thịt kho trứng: sự kết hợp hoài hòa của đất (miếng thịt vuông vức) và trời (quả trứng tròn), mọi chuyện đều tròn đầy, thuận lợi
+ Canh khổ qua: mọi khó khăn, vất vả trong năm cũ đều qua đi
+ Củ kiệu muối, hành ngâm: tượng trưng cho sự vinh hoa phú quý, phúc lộc đầy nhà, thăng tiến nhanh chóng.
Mâm cơm Tết bình dị và đậm màu văn hóa Nam Bộ
(Ảnh: Internet)
Đây đều là những món ăn đặc trưng ngày Tết Việt Nam.
Cách bày mâm cơm cổ truyền
Với những ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt là để dâng lên ông bà, ai ai cũng rất chú trọng vào việc sắp xếp, trình bày mâm cơm sao cho thật tinh tế, đẹp mắt, ít nhất là cũng dễ nhìn. Theo phong tục truyền thống của nước ta và một số nước châu Á khác, có một vài lưu ý khi trình bày mâm cơm Tết để dâng lên ông bà như sau:
+ Số lượng tô trên mâm thường là 4 – 6 hoặc 8. Số 4 nghĩa là tứ trụ biểu thị 4 mùa trong năm. Số 6 (lục) gần giống như Lộc hoặc số 8 (bát) gần giống như Phát.
+ Trên mâm cỗ có thể sẽ có nhiều tô canh. Khi đó bạn nên để các tô canh ở xa hoặc đối xứng nhau, không đặt sát nhau
+ Đối với các món ăn gần giống nhau như chả lụa với thịt kho, bánh chưng với xôi thì không nên đặt gần nhau vì như thế sẽ dễ tạo cảm giác ngấy.
+ Các loại tô, chén, đĩa đặt trên mâm có thể không giống nhau 100% nhưng cần có sự đồng bộ về màu sắc để nhìn thuận mắt hơn, không bị rối.
Thời gian cúng cơm 4 ngày Tết là khi nào?
Thực ra bất kỳ người lớn nào trong nhà đều cũng sẽ nắm rõ điều này. Nếu bạn đang tìm hiểu về trình tự, thời gian thì tham khảo thông tin dưới đây:
+ Trưa hoặc chiều 30 Tết: cúng tất niên để đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Một số gia đình cũng quan niệm đây là thời điểm để báo cáo về tình hình 1 năm đã qua.
+ Cúng Giao thừa để chào năm cũ, đón năm mới
+ Mùng 1 Tết: cúng Nguyên đán vào bữa ăn đầu tiên của năm mới (thướng là vào sáng sớm chứ không đợi đến trưa). Cúng thêm buổi chiều gọi là Tịch điện.
+ Mùng 2 Tết: cúng vào bữa sáng gọi là Chiêu điện. Cúng thêm buổi chiều gọi là Tịch điện.
+ Mùng 3: cúng 1 bữa cơm (có thể vào buổi trưa hoặc chiều) gọi là cúng Tạ Ông Vải, cảm ơn tổ tiên vì đã có một cái Tết no ấm và đưa tiễn ông bà.
Mâm cỗ ngày Tết không cần thiết phải quá “mâm cao cỗ đầy” nhưng phải chỉn chu và quan trọng nhất là tấm lòng. Một năm mới nữa lại sắp đến, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng để có một cái Tết thật vui và tròn đầy bạn nhé!
Ý kiến của bạn