Cách làm giò thủ ngon tại nhà có phải là điều bạn đang tìm kiếm cho xuân này? Vậy thì đừng tiếc vài phút cho hướng dẫn dưới đây, chắc chắn bạn sẽ hiểu và có thể áp dụng ngay cách làm. Cũng trong công thức, Bếp Trưởng sẽ có những lưu ý cực kỳ quan trọng để bạn có thể thực hiện giò thủ thành công ngay từ lần đầu tiên.
Không chỉ phù hợp để làm tại nhà, nếu bạn muốn kiếm thêm thu nhập cho mùa Tết thì cũng nắm bắt ngay bí kíp để kinh doanh nhé!
Giò thủ là đặc trưng ẩm thực miền Bắc dịp Tết đến xuân về
(Ảnh: Internet)
Nội Dung
Nguyên liệu làm giò thủ
- Mũi heo: 200gram
- Tai heo: 500gram
- Giò heo tách lấy thịt: 200gram
- Mộc nhĩ (nấm mèo) và nấm hương: mỗi thứ 50 – 80gram ngâm nước nóng 20 phút, thái sợi.
- Hành tím, gừng, tỏi: mỗi thứ 2 – 4 muỗng canh, băm nhuyễn
Ngoài các gia vị như đường, hạt nêm, nước mắm, bạn chuẩn bị thêm tiêu xay và tiêu sọ.
Cách làm giò thủ miền Bắc
Chần thịt heo
Đun sôi 1 lít nước. Nước sôi, bạn nêm thêm ½ muỗng canh đường và 2 củ gừng, hành tím băm nhuyễn (1 muỗng).
Đây là nước dùng để chần sơ tai heo, lỗ mũi heo và mũi heo, giúp thịt khử được mùi hôi và đồng thời có vị ngọt hơn khi thưởng thức.
Bạn chần thịt trong khoảng thời gian 5 phút. LƯU Ý: không cần phải đậy nắp.
Vớt lỗ mũi, tai và thịt heo ngâm ngay vào nước đá cho đến khi nguội hẳn. Đây là cách để giúp thịt có màu trắng đẹp và cũng săn giòn hơn, dễ cắt hơn.
Ướp thịt
Toàn bộ mũi, tai và thịt sau khi cắt xong bạn cho chung vào 1 tô, ướp với 1,5 muỗng cà phê đường + ½ muỗng cà phê bột ngọt + 1,5 muỗng cà phê hạt nêm + 1 muỗng cà phê tiêu xay và một chút xíu muối.
LƯU Ý:
+ Không cho nhiều muối vì muối dễ làm cho giò ăn có hậu chát.
+ Nếu muốn giò thủ thơm hơn, bạn có thể cho vào 1 muỗng nhỏ tiêu sọ. Tiêu sọ đập sơ cho dậy mùi thơm hơn hoặc để nguyên hạt đều được.
Bọc plastic và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 30 – 45 phút.
Xào thịt
Cho một lượng dầu vừa đủ vào chảo (khoảng 30ml), thêm hành tím và tỏi băm vào xào thơm rồi cho hỗn hợp thịt heo vào. Đảo đều tay vào xào liên tục, không để cho thịt chị cháy. Thịt đã săn, bạn cho nấm hương và mộc nhĩ vào, thêm 2 muỗng nước mắm và xào thêm 5 – 10 phút nữa rồi tắt bếp.
Sau khi cho nấm vào mới nêm nước mắm
LƯU Ý:
+ Không nêm nước mắm ngay từ đầu vì khi hâm nóng quá lâu, nước mắm sẽ cô đặc lại, không còn thơm và còn tạo hậu chát cho món giò của bạn.
+ Cho một lượng dầu ăn vừa phải vì trong quá trình xào, một lượng mỡ từ thịt heo sẽ tiết ra. Nếu chúng ta cho nhiều dầu sẽ dễ làm cho món ăn quá béo, dễ ngấy.
Ép khuôn giò thủ
Khi ép khuôn giò, bạn phải đặc biệt lưu ý điều này. Đó là nhân (thịt xào ở trên) phải có độ ấm, không nguội hẳn (vì khó tạo độ kết dính) và cũng không nóng hổi (vì như thế sẽ không ép được).
Hiện nay, việc ép giò thủ đã trở nên rất đơn giản. Bếp Trưởng sẽ hướng dẫn bạn ép khuôn bằng cả 2 cách: bằng dụng cụ ép và cách làm giò thủ bằng lá chuối.
+ Cách 1: Khi đã có dụng cụ thì công việc hết sức đơn giản, bạn chỉ việc nén thật chặt phần thịt xào vào, đậy nắp và vặn chắc.
Ép bằng khuôn sẽ khá đơn giản và thẩm mỹ
+ Cách 2: Trong trường hợp không có dụng cụ hoặc làm với số lượng nhiều, bạn sử dụng chai nước suối lớn (hay nhỏ đều được), cắt bỏ phần đầu nhỏ, lót lá chuối xung quanh rồi nén thật chặt tay nhân vào.
Sau khi đã nén xong, bạn chờ cho thịt nguội hẳn rồi bảo quản trong ngăn mát. Thời gian bảo quản chỉ khoảng 1,5 – 2h là đã có thể dùng được.
LƯU Ý: Việc nén chặt tay và độ ấm của thịt là hết sức quan trọng. Bạn phải nén chặt tay lúc thịt còn ấm thì khi gỡ khuôn, giò thủ của chúng ta mới kết thành khối chắc chắn, không bị rã ra.
Giò thủ là món ăn dường như không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của các gia đình miền Bắc. Một miếng giò thơm, mặn ngọt đậm đà ăn kèm với củ kiệu, dưa hành muối nồng nàn vị xuân sang. Món ăn này nếu chưa dùng hết có thể giữ trong ngăn mát và dùng được 2 – 3 tuần.
Cách làm giò thủ ngon tại nhà đơn giản đúng không nào? Chúc bạn thành công và đừng quên theo dõi các video, bài viết dạy nấu ăn thú vị khác nhé!
Xem thêm thêm vài video hướng dẫn làm món ăn ngon ngày tết ngay đây :
Ý kiến của bạn