Nghề bếp cũng như bao công việc khác, rất cần đến đam mê. Tuy nhiên, đam mê phải đi cùng với năng lực, sự cầu tiến, những kỹ năng nghề nghiệp để giúp bạn có thể trở thành những đầu bếp giỏi.
Chọn nghề dựa vào sở thích, năng lực và niềm tin của bản thân vào thành công khi làm nghề
(Ảnh: Internet)
Vận dụng công thức G + P + V hoàn hảo để chọn nghề
Chọn nghề là 2 từ gây “ám ảnh” đối với nhiều phụ huynh và học sinh. Chúng ta thường chọn nghề vì sở thích? Đúng, nhưng sở thích cũng có khi thay đổi theo thời gian. Chúng ta chọn nghề vì… nhiều người cũng chọn nó? Điều ấy là quá nguy hiểm, nhất là khi bạn không hề yêu thích nó. Thay vào đó, hãy vận dụng công thức: G + P +V để đưa ra một quyết định chọn nghề phù hợp. Trong đó, G là Gift (tài năng), P là Passion (đam mê) và V là Value (giá trị của bản thân).
Đam mê – Điều một đầu bếp nhất định phải có
Đam mê khác với sở thích. Ban đầu, bạn có thể đến với nghề bếp chỉ vì sự yêu thích nhưng để gắn bó với nghề, bạn bắt buộc phải có lòng đam mê. Bởi lẽ, đam mê được làm nên từ những trải nghiệm lâu dài. Sau khi đã trải qua quá trình học tập và làm việc, bạn vẫn cảm thấy yêu công việc, bạn luôn muốn khám phá nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn, bạn cho rằng những thời điểm khó khăn chỉ là tạm thời và luôn có cách để động viên mình vượt qua những khó khăn đó, hoặc thậm chí có khi bạn chấp nhận đánh đổi hay hy sinh vài thứ trong cuộc sống của mình để được cống hiến hết sức với nghề nghiệp… người ta gọi đó là đam mê.
Làm nghề bếp cũng vậy! Chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi và mùi đồ ăn. Ở thời điểm mới bắt đầu, chúng ta không thể tránh khỏi những khi phải loay hoay trong gian bếp để học cách sử dụng từng trang thiết bị cho chính xác… Nhưng tình yêu với nghề chính là thứ giúp chúng ta có thể dồn hết tâm trí để học tập, làm việc và đạt được mục tiêu của mình.
Quan trọng nhất với một người đầu bếp chính là tình yêu dành cho nghề
(Ảnh: Internet)
Tài năng – Năng lực phải thực sự mạnh mẽ
Bobby – một Bếp trưởng khá nổi tiếng ở châu Á và sở hữu 2 nhà hàng lớn tại Việt Nam có chia sẻ: Đam mê là điều quan trọng nhất với người đầu bếp. Thế nhưng, các bạn cần phải học thêm rất nhiều thứ để có thể trở thành một đầu bếp giỏi thực thụ. Sự học hỏi và tích lũy dần dần trong quá trình học tập và làm việc sẽ giúp bạn có cái được gọi là “tài năng”.
Trước hết là học cách sử dụng các loại công cụ trong nhà bếp, kỹ năng cầm dao, sử dụng dao, những kỹ xảo nấu nướng… Trong căn bếp hiện đại không chỉ có gia vị, nguyên liệu mà còn có rất nhiều các trang thiết bị khác. Và người đầu bếp phải sành sõi về cách sử dụng từng thứ nhỏ nhất để quá trình chế biến được trơn tru.
Tiếp theo là học các kỹ năng nấu nướng. Điều này là rất quan trọng vì công việc chính của người đầu bếp là nấu nướng. Nấu ngon, tiết kiệm thời gian, thỏa mãn khách hàng, đó là điều mà bất cứ đầu bếp nào cũng phải học.
Chất lượng món ăn là một phương diện “đo lường” tài năng của người đầu bếp
Ngoài ra, óc tổ chức để vận hành các công việc trong bếp “chạy” suôn sẻ và biết quản trị nhân sự cũng là điều mà các đầu bếp phải cố gắng đạt được. Tất cả sự thể hiện trong công việc mang lại những hiệu ứng tốt đều là tài năng. Người đầu bếp có được trọng dụng hay không, có gắn bó lâu dài được với nghề hay không, có khả năng thăng tiến nhanh hay không… tất cả đều phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của bạn.
Giá trị bản thân hay nói cách khác chính là niềm tin vào bản thân mình
Giá trị bản thân là thứ mà bạn tin rằng nó quan trọng và có thể mang đến thành công cho việc mà bạn sẽ làm. Nói cách khác, đó chính là niềm tin của bạn vào đam mê, vào tài năng, vào sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Hãy tự đặt ra các câu hỏi: Bạn có tin rằng mình thực sự sẽ “làm nên chuyện” khi trở thành đầu bếp hay không? Bạn có hạnh phúc khi được nấu nướng hay không? Bạn có tin rằng những gì học được có thể giúp mình đạt mục đích hay không? Nếu câu trả lời là Có, vậy thì đam mê với nghề bếp, năng lực hiện có của bạn chính là những giá trị bản thân mà bạn đang có được.
Cũng giống như một ai đó từng nói: “Khi bạn làm những việc hòa hợp với giá trị bản thân, cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn và công việc không còn là gánh nặng”. Nghĩa là khi bạn chọn sống với nghề bếp và làm những việc mà mình yêu thích, mình tự tin rằng sẽ làm được, sẽ thành công, vậy thì không có gì gọi là gánh nặng hay ép buộc trong cuộc sống của bạn nữa.
G + P +V được xem là công thức hoàn hảo để tìm một công việc phù hợp với bản thân mình. Nghề nghiệp nào cũng vậy, chỉ thích thôi chưa đủ. Thêm vào đó, chúng ta cần có năng lực mạnh mẽ để chứng minh được vị trí của bản thân, cần có niềm tin vào bản thân để thúc đẩy mình luôn cố gắng. Làm một nghề mà ở đó, chúng ta cảm thấy mình có giá trị, được thỏa sức thể hiện và làm tốt, đó chính là công việc phù hợp nhất với bản thân.
Ý kiến của bạn